Hướng dẫn hồ sơ, thủ tục hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được áp dụng từ 01/01/2025 theo Nghị định 143/2024/NĐ-CP. Đây là loại bảo hiểm dành cho người không ký hợp đồng lao động và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Thủ tục và hồ sơ hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện như thế nào? Cùng eBHXH tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Điều kiện hưởng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
Người lao động khi tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện sẽ được hưởng các chế độ, trợ cấp một lần khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do tai nạn lao động xảy ra trong thời gian tham gia BHTNLĐ tự nguyện.
- Không thuộc trường hợp bị tai nạn lao động do một trong 03 nguyên nhân dưới đây:
+ Do mâu thuẫn với người gây ra tai nạn mà không liên quan tới công việc, nhiệm vụ lao động;
+ NLĐ cố ý tự hủy hoại sức khỏe bản thân;
+ NLĐ sử dụng ma túy, chất gây nghiện trái quy định
Hồ sơ hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
Căn cứ theo Điều 22 Nghị định 143/2024/NĐ-CP, khi bị tai nạn lao động, để được hưởng bảo hiểm tai nạn lao động (BHTNLĐ) tự nguyện, người lao động cần chuẩn bị hồ sơ gồm các giấy tờ sau:
- Sổ BHXH;
- Giấy ra viện/trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị tai nạn lao động xong;
- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa;
- Bản sao giấy chứng tử, trích lục khai tử hoặc giấy báo tử, bản sao quyết định tuyên bố đã chết của Tòa án với trường hợp chết do tai nạn lao động;
- Biên bản điều tra tai nạn lao động;
- Đơn đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động của NLĐ hoặc thân nhân người bị nạn với trường hợp tai nạn lao động chết người;
- Bản chính hóa đơn hoặc chứng từ hợp pháp liên quan về phí giám định suy giảm khả năng lao động;
Trong trường hợp giám định lại có kết quả tăng mức suy giảm khả năng lao động so với mức suy giảm khả năng lao động đã được hưởng trợ cấp thì NLĐ làm hồ sơ đề nghị bổ sung chế độ BHTNLĐ tự nguyện gồm:
- Sổ BHXH;
- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa;
- Đơn đề nghị giải quyết bổ sung chế độ tai nạn lao động;
- Bản chính hóa đơn hoặc chứng từ hợp pháp liên quan về phí giám định suy giảm khả năng lao động.
Hướng dẫn thủ tục hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
Theo Điều 23, Điều 24 Nghị định 143/2024/NĐ-CP, sau khi NLĐ chuẩn bị đầy đủ hồ sơ hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện (như hướng dẫn trên) thì nộp lại cho cơ quan BHXH theo quy trình sau:
Nơi nộp hồ sơ: cơ quan BHXH - nơi đăng ký tham gia BHTNLĐ tự nguyện.
Thời gian nộp:
- Trong vòng 30 ngày, kể từ thời điểm nhận được Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động.
- Trong vòng 90 ngày, kể từ thời điểm NLĐ đang đóng BHTNLĐ tự nguyện bị chết.
Thời gian giải quyết: Trong thời gian 07 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ từ NLĐ, cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết chế độ. Trường hợp không giải quyết, người lao động có quyền yêu cầu cơ quan trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Lưu ý:
- Nếu vượt quá thời hạn nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm: NLĐ phải nêu được rõ lý do tại sao nộp muộn và giải trình bằng văn bản kèm theo trong hồ sơ.
- Nếu quá thời hạn mà cơ quan BHXH vẫn chưa giải quyết: Cơ quan BHXH phải giải trình bằng văn bản cho người nộp hồ sơ và nêu rõ lý do.
- Trường hợp giải quyết và chi trả tiền trợ cấp chậm hơn so với thời hạn: Cơ quan BHXH phải bồi thường theo quy định, trừ trường hợp là do lỗi của NLĐ hoặc của thân nhân người bị tai nạn lao động.
Mua bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện ở đâu?
Người lao động tham gia có thể mua bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện tại cơ quan BHXH cấp huyện nơi tạm trú hoặc thường trú.
Trên đây là toàn bộ hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện. Mọi thắc mắc cần giải đáp, bạn đọc vui lòng liên hệ đến Tổng đài 19006142 để được hỗ trợ tư vấn chính xác và nhanh chóng nhất nhé.