Hướng dẫn thủ tục giám định thương tật để hưởng bảo hiểm xã hội
Giám định thương tật hưởng BHXH là việc xác định mức độ suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp. Trong bài viết dưới đây, cùng eBHXH tìm hiểu thủ tục giám định thương tật để hưởng bảo hiểm xã hội nhé.
Thế nào là giám định thương tật?
Giám định thương tật (giám định tỷ lệ % tổn thương cơ thể) là quá trình xác định, đánh giá và phân tích các dấu hiệu, tổn thương trên cơ thể để tìm hiểu nguyên nhân, tính chất và mức độ của thương tổn.
Đây không chỉ là hoạt động quan trọng nhằm cung cấp thông tin chính xác và khách quan cho các vụ án hình sự khi cá nhân bị xâm hại cơ thể và là căn cứ để bồi thường thiệt hại cho người bị hại.
Quá trình giám định thương tật được thực hiện bởi các chuyên gia như bác sĩ pháp y, nhà giám định y học pháp luật và được thực hiện theo nguyên tắc sau:
- Giám định để xác định tỷ lệ % tổn thương cơ thể phải được thực hiện trên người cần giám định;
- Giám định để xác định tỷ lệ % thương tật cơ thể được thực hiện trên hồ sơ trong trường hợp người cần giám định đã chết hoặc mất tích. Khi giám định trên hồ sơ, tỷ lệ % thương tật được xác định ở mức thấp nhất của khung tỷ lệ tương ứng với tỷ lệ % tổn thương cơ thể;
- Tỷ lệ % tổn thương cơ thể được xác định tại thời điểm giám định.
Thực hiện thủ tục giám định thương tật ở đâu?
Theo khoản 1 Điều 207 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, đương sự hoặc người đại diện cho đương sự có quyền đề nghị Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, trưng cầu giám định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Hiện nay, các cơ quan công lập có thẩm quyền tiến hành giám định xác định tỷ lệ thương tật gồm:
- Trong lĩnh vực pháp y: Viện pháp y của Bộ y tế, Bộ quốc phòng, Trung tâm giám định pháp y cấp tỉnh hoặc của Viện khoa học hình sự thuộc Bộ Công an.
- Trong lĩnh vực pháp y tâm thần: Viện pháp y tâm thần trung ương, trung tâm pháp y tâm thần khu vực.
- Trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự: Viện khoa học hình sự Bộ công an, Phòng giám định kỹ thuật hình sự của Bộ quốc phòng, công an cấp tỉnh.
- Phòng giám định kỹ thuật hình sự: Trực thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.
Như vậy, khi cá nhân bị thương tích, bị tổn hại về sức khỏe do hành vi của người khác gây ra, nếu muốn xác định tỷ lệ thương tật thì cần đến một trong những tổ chức nêu trên để thực hiện giám định.
Thủ tục, hồ sơ giám định thương tật để hưởng bảo hiểm xã hội
Thủ tục, hồ sơ giám định thương tật để hưởng bảo hiểm xã hội được tiến hành theo quy định của pháp luật về giám định. Cụ thể:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ giám định thương tật để hưởng BHXH gồm:
- Giấy đề nghị khám giám định theo Mẫu tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo tại Thông tư 18/2022/TT-BYT;
- Bản chính (hoặc bản sao hợp lệ) của một trong các giấy tờ: tóm tắt hồ sơ bệnh án, giấy xác nhận khuyết tật, giấy ra viện, sổ khám bệnh, phiếu khám bệnh, phiếu kết quả cận lâm sàng, đơn thuốc của cơ sở khám chữa bệnh, hồ sơ bệnh nghề nghiệp, biên bản giám định y khoa lần gần nhất với người đã được khám giám định.
- Thẻ CCCD/Hộ chiếu còn giá trị sử dụng hoặc Giấy xác nhận của Công an cấp xã có dán ảnh, đóng dấu giáp lai trên ảnh và được cấp trong thời gian không quá 3 tháng tính từ thời điểm đề nghị khám giám định.
Bước 2: Trình tự thực hiện giám định thương tật để hưởng bảo hiểm xã hội
Người lao động lập, hoàn chỉnh bộ hồ sơ khám giám định thương tật và gửi đến Hội đồng Giám định y khoa theo 2 cách:
- Cách 1: Theo đường bưu chính công ích
- Cách 2: Nộp trực tiếp
Dựa trên hồ sơ, cơ quan có trách nhiệm xem xét và tổ chức khám giám định theo thời gian quy định.
Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ, hội đồng giám định có trách nhiệm tổ chức, khám giám định và ban hành biên bản giám định y khoa. Trường hợp quá 60 ngày mà chưa ban hành biên bản thì cơ quan phải có văn bản thông báo và nêu rõ lý do.
Giấy đề nghị khám giám định theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư số 18/2022/TT-BYT như sau:
Cách ghi các mục từ 1 đến mục 6 trên Giấy đề nghị giám định thương tật để hưởng BHXH như sau:
(1) Số sổ BHXH/Mã số BHXH: Ghi mã số BHXH chỉ áp dụng khi Cơ quan BHXH chính thức có thông báo về việc sử dụng mã số BHXH thay cho số sổ BHXH.
(2) Nghề/Công việc: Ghi rõ đang làm việc trong môi trường có yếu tố gây bệnh nghề nghiệp được đề nghị khám hay không. Trong trường hợp người thân của người lao động đề nghị khám giám định để hưởng trợ cấp tuất hàng tháng thì không cần khai mục này.
(3) Đề nghị giám định: Ghi rõ một trong các hình thức: Lần đầu/Tái phát/Lại/Tổng hợp/Phúc quyết.
(4) Loại hình giám định: Ghi rõ một trong các nội dung khám giám định: Tai nạn lao động/bệnh nghề nghiệp/hưu trí/tử tuất/hưởng BHXH một lần/hưởng chế độ thai sản.
(5) Nội dung giám định: Ghi rõ tên thương tật, bệnh tật đề nghị khám giám định theo các giấy tờ khám, điều trị thương tật, bệnh tật.
(6) Chế độ đang hưởng: Ghi rõ chế độ đang được hưởng và tỷ lệ tổn thương cơ thể của lần khám giám định gần nhất (nếu có). Ngoài ra, với giám định TNLĐ hoặc BNN, nếu có tổn thương cơ thể thì cần ghi rõ, kể cả tỷ lệ tổn thương cơ thể đó chưa đủ để hưởng chế độ.
(10) Xác nhận của UBND hoặc Công an cấp xã: Chỉ áp dụng với trường hợp thân nhân của người lao động là người chịu trách nhiệm trong việc lập hồ sơ đề nghị giám định.
Trên đây là toàn bộ nội dung hướng dẫn thủ tục giám định thương tật để hưởng bảo hiểm xã hội. Hy vọng với những thông tin hữu ích ở trên sẽ giúp bạn đọc trong việc bảo vệ quyền lợi khi gặp rủi ro, tai nạn lao động hay bệnh nghề nghiệp dẫn đến suy giảm khả năng lao động.