[Cập nhật] Chế độ thai sản về sớm 1 tiếng mới nhất theo quy định Pháp luật
Lao động nữ khi mang thai hay nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi được hưởng chế độ thai sản về sớm 1 tiếng. Cùng tìm hiểu rõ hơn về chế độ này qua bài viết dưới đây của eBHXH nhé.
Quy định của Pháp luật về chế độ thai sản về sớm/di trễ 1 tiếng
Căn cứ theo Khoản 2, Điều 137 của Bộ luật lao động năm 2019 đã quy định về chế độ thai sản về sớm 1 tiếng.
NLĐ được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ nhàng hơn, an toàn và giảm bớt thời gian 1 giờ lao động hàng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương hay lợi ích gì cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi trong trường hợp:
- Làm nghề, công việc nặng nhọc, trong môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt độc hại, nguy hiểm.
- Làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản và nuôi con khi mang thai.
Quyền lợi về sớm một tiếng/ ngày làm việc được áp dụng từ khi NLĐ có thông báo đến người sử dụng lao động cho đến thời điểm con người lao động tròn 1 tuổi.
Theo khoản 4 điều 137 trong Bộ luật lao động 2019, trong thời gian nuôi con dưới 2 tháng tuổi, lao động nữ được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc mà vẫn được hưởng đầy đủ lương theo hợp đồng lao động.
Người lao động để được hưởng chế độ thai sản về sớm 1 tiếng cần thông báo cho người sử dụng lao động và chuẩn bị một số giấy tờ sau đây:
- Giấy xác nhận đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
- Đơn đề nghị hưởng chế độ thai sản về sớm 1 tiếng
Mẫu đơn xin hưởng chế độ thai sản về sớm/ đi trễ 1 tiếng
Bạn có thể tham khảo mẫu đơn xin nghỉ sớm 1 tiếng TẠI ĐÂY
Lao động nữ trong thời gian được hưởng chế độ về sớm 1 tiếng có thể ở lại làm thêm giờ nếu được đơn vị đồng ý và đủ sức khỏe
Hiện nay, không có quy định nào cấm người lao động làm thêm giờ trong thời gian được hưởng chế độ nghỉ thai sản về sớm 1 tiếng. Tuy nhiên, để đảm bảo điều kiện về làm thêm giờ cần phải đáp ứng:
- Được sự đồng ý của người lao động
- Đảm bảo số giờ làm thêm không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong một ngày làm việc, không quá 40 giờ/tháng, không quá 200 giờ/năm trừ một số trường hợp đặc biệt.
Vì thế người lao động nếu không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để tiếp tục làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng, người lao động được trả thêm tiền lương công việc đã làm thêm trong khoảng thời gian được nghỉ.
Doanh nghiệp sẽ bị xử phạt thế nào khi không cho thai phụ hưởng chế độ về sớm 1 tiếng theo quy định của Pháp luật
Người lao động nữ được giảm 1 giờ làm việc hàng ngày là quyền lợi khi mang thai nếu đang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu đến sinh sản và nuôi con.
Nếu người lao động đã thông báo với người sử dụng lao động và làm đơn đề nghị hưởng chế độ thai sản về sớm 1 tiếng mà người sử dụng lao động vẫn không thực hiện chuyển việc và giảm giờ làm cho thai phụ thì người sử dụng lao động sẽ bị phạt hành chính từ 10 đến 20 triệu đồng (Theo điểm C khoản 2 Điều 28 của Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Trên đây là quy định về chế độ thai sản về sớm 1 tiếng theo quy định của Pháp luật. Người lao động cần lưu ý vấn đề trên để đảm bảo quyền lợi của mình khi đang trong thời gian được hưởng chế độ thai sản.