Tự ý nghỉ việc không xin phép xử lý như thế nào?
Hiện nay, tình trạng người lao động tự ý nghỉ làm không xin phép đang diễn ra ở rất nhiều doanh nghiệp. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ hoàn thành công việc. Vậy việc tự ý nghỉ làm không xin phép sẽ xử lý như thế nào? Bài viết dưới đây Baohiemxahoidientu.vn sẽ làm rõ điều này.
Bên cạnh việc tuân thủ chế độ làm việc của doanh nghiệp, người lao động (NLĐ) sẽ được người sử dụng lao động bố trí thời gian nghỉ hằng tuần, nghỉ lễ Tết, nghỉ hằng năm và nghỉ việc riêng, nghỉ không lương.
Nghỉ làm người lao động có cần xin phép người sử dụng lao động không?
Căn cứ theo nội dung quy định tại Điều 111, Điều 112, Điều 113 và Điều 115 Bộ luật Lao động năm 2019 về các ngày nghỉ của người lao động trong năm. Theo đó, trong năm, người lao động đươc nghỉ làm vào các ngày:
- Nghỉ hằng tuần: Ít nhất 01 ngày/tuần, có thể là cuối tuần hoặc theo lịch mà doanh nghiệp bố trí.
- Nghỉ lễ, Tết: Theo các ngày lễ, Tết được Bộ luật Lao động quy định, bao gồm:
+ Tết Dương lịch: Nghỉ 01 ngày.
+ Tết Âm lịch: Nghỉ 05 ngày.
+ Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: Nghỉ 01 ngày.
+ Ngày Chiến thắng: Nghỉ 01 ngày.
+ Ngày Quốc tế lao động: Nghỉ 01 ngày.
+ Ngày Quốc khánh: Nghỉ 02 ngày.
- Nghỉ hằng năm:
+ Tùy từng trường hợp mà NLĐ được nghỉ phép hàng năm từ 12 – 16 ngày. Với những NLĐ làm đủ 05 năm cho người sử dụng lao động thì NLĐ được nghỉ thêm 01 ngày. Còn với NLĐ chưa làm đủ 1 năm thì số ngày nghỉ tương ứng với tháng làm việc (Làm việc được 3 tháng thfi có 3 ngày nghỉ phép).
- Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương:
+ Khi NLĐ kết hôn, người thân của NLĐ kết hôn hoặc bị chết: NLĐ được nghỉ từ 1 – 3 ngày và phải thông báo cho người sử dụng lao động.
+ Nghỉ vì các lý do khác: Phải có sự thỏa thuận với người sử dụng lao động.
Như vậy, có thể thấy, NLĐ khi nghỉ hằng tuần, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, Tết hoặc nghỉ vì lý do kết hôn hoặc có người thân kết hôn, chết thì không cần phải có sự đồng ý của người sử dụng lao động. Nhưng nếu người lao động muốn nếu nghỉ làm vì lý do cá nhân thông thường (lý do khác) thì phải có thỏa thuận với người sử dụng lao động (xin phép và có sự đồng ý của người sử dụng lao động).
Tùy từng trường hợp nghỉ mà NLĐ có thể phải xin phép người sử dụng lao động. Nếu thuộc trường hợp phải xin phép nhưng lại tự ý nghỉ làm, người lao động có thể bị coi là vi phạm kỷ luật lao động và bị xử lý kỷ luật tương ứng theo nội quy lao động.
Tự ý nghỉ việc không xin phép, người lao động có bị đuổi việc không?
Trường hợp nặng nhất, NLĐ tự ý nghỉ không xin phép còn có thể bị xử lý kỷ luật theo hình thức sa thải nếu người lao động tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.
Trường hợp được coi là nghỉ có lý do chính đáng bao gồm NLĐ nghỉ việc do thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.
Như vậy, nếu tự ý nghỉ việc nhiều ngày mà không xin phép, người lao động hoàn toàn có thể bị sa thải hoặc bị đuổi việc.
Còn nếu chưa đến mức bị sa thải hoặc đuổi việc mà doanh nghiệp lại áp dụng hình thức sa thải hoặc đuổi việc đối với người lao động thì sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Lúc này, người lao động có thể khiếu nại đến Chánh thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc trực tiếp khởi kiện đến Tòa án cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để đòi lại quyền lợi chính đáng cho mình.