Thủ tục đổi thẻ BHYT mới - Hồ sơ và các bước thực hiện
Thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) là 1 trong những giấy tờ quan trọng, cần thiết trong những giai đoạn khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên trong thời gian sử dụng, nếu thẻ vật lý BHYT bị mất, rách, hay thông tin không chính xác,... người dân hoàn toàn có thể làm thủ tục đổi thẻ BHYT mới. Cùng eBHXH tìm hiểu thủ tục đổi thẻ BHYT mới trong bài viết dưới đây nhé.
Trong bộ Luật BHXH 2024, thẻ BHYT có 2 hình thức là thẻ vật lý (thẻ giấy truyền thống) và thẻ điện tử. Mỗi người tham gia BHYT sẽ được cấp 01 mã số thẻ BHYT - cũng là MST dùng để xuất trình khi đi khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh BHYT.
Căn cứ theo Khoản 1, Điều 19 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, người tham gia BHYT được đổi thẻ BHYT trong các trường hợp sau:
(1) Thẻ BHYT dạng vật lý bị rách, nát hoặc hỏng.
(2) Người tham gia thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu.
(3) Thông tin ghi trên thẻ BHYT không chính xác.
Lưu ý: Các trường hợp đổi thẻ nêu trên chỉ áp dụng đối với thẻ BHYT dạng vật lý. Đối với thẻ BHYT điện tử, thông tin sẽ được tự động cập nhật và đồng bộ trên hệ thống của cơ quan BHXH.
Trường hợp người tham gia BHYT vẫn có nhu cầu cấp mới lại thẻ BHYT dạng vật lý, có thể thực hiện thủ tục đổi thẻ theo quy định hiện hành.
Căn cứ theo Luật BHXH 2024 thì từ 01/07/2025 Cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ là đơn vị phụ trách về chế độ, chính sách về BHYT cho người tham gia. Người muốn làm thủ tục đổi thẻ BHYT mới, căn cứ theo Khoản 2 Điều 19 Luật Bảo hiểm y tế 2008 và Khoản 4, Điều 27 Quyết định 595/QĐ/BHXH ban hành ngày 14/04/2017, sẽ phải chuẩn bị hồ sơ như sau:
- Với người tham gia BHXH:
+ Đơn đề nghị đổi thẻ BHYT.
+ Thẻ BHYT cũ.
+ Tờ khai tham gia BHYT theo mẫu TK1-TS (Xem mẫu tờ khai tại đây).
- Với đơn vị sử dụng người lao động tham gia BHYT
+ Bảng kê thông tin theo mẫu D01-TS (Xem mẫu bảng kê khai tại đây).
Lưu ý: Người lao động thuộc nhóm tham gia BHYT bắt buộc sẽ nộp hồ sơ cho người sử dụng lao động. Sau đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập bảng kê thông tin và hoàn thiện hồ sơ trước khi gửi đến cơ quan Bảo hiểm xã hội.
Thủ tục đổi thẻ BHYT mới sẽ gồm các bước cơ bản sau:
Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ như đã nêu trên.
Bước 2: Nộp hồ sơ cho Cơ quan Bảo hiểm xã hội
Người nộp có thể nộp trực tiếp tại cơ quan bảo hiểm xã hội tại địa phương, nộp qua đường bưu điện hoặc nộp trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Bước 3: Giải quyết thủ tục đổi thẻ BHYT
Sau khi nộp hồ sơ người dân sẽ nhận được 01 giấy hẹn trả kết quả đổi thẻ BHYT theo Mẫu số 4 (Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP ban hành ngày 17/1/2018).
Thời hạn giải quyết thủ tục đổi thẻ BHYT sẽ trong vòng 05 ngày làm việc tính ngày cơ quan BHXH nhận được hồ sơ hợp lệ. Cơ quan BHXH thực hiện cấp thẻ BHYT mới cho người tham gia trong thời hạn quy định.
Người tham gia có thể nhận thẻ BHYT mới qua đường bưu điện hoặc trực tiếp tại nơi nộp hồ sơ qua người sử dụng lao động hoặc cơ quan BHXH.
Trong thời gian chờ giải quyết thủ tục đổi thẻ BHYT, người dân vẫn có thể khám chữa bệnh BHYT bình thường. Khi đi khám chữa bệnh, người dân chỉ cần xuất trình giấy hẹn trả kết quả đổi thẻ do cơ quan BHXH cấp để thay thế cho thẻ BHYT vật lý.
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể sử dụng thẻ BHYT điện tử hoặc đơn giản là cung cấp mã số thẻ BHYT cho cơ sở khám chữa bệnh BHYT, theo quy định mới về thủ tục khám chữa bệnh BHYT áp dụng từ năm 2025.
Trên đây là hướng dẫn chi tiết về thủ tục xin cấp lại thẻ BHYT mới. Tuy nhiên hiện tại theo quy định mới, theo Công văn 168/BHXH-QLT năm 2025, từ 01/06/2025 người dân sẽ được yêu cầu sử dụng thẻ BHYT điện tử thông qua các ứng dụng VSSID, VNeID, căn cước hoặc căn cước công dân có gắn chip. Chỉ cấp mới thẻ BHYT vật lý cho những trường hợp không thể cài đặt VSSID, VNeID và không có CCCD gắn chip. Trước nhiều thay đổi, người tham gia BHYT cần nắm rõ để đảm bảo quyền lợi cho bản thân.