Mức đóng bảo hiểm y tế được xác định như thế nào từ 1/7/2025?
Mức đóng bảo hiểm y tế được xác định như thế nào từ 1/7/2025? Tiền lương, tiền công, tiền trợ cấp làm căn cứ đóng BHYT được quy định như thế nào? Cùng eBHXH tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
Từ 1/7/2025, mức đóng BHYT được xác định thế nào?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Bảo hiểm y tế 2008 được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật BHYT sửa đổi 2024 quy định về nguyên tắc BHYT như sau:
“Điều 3. Nguyên tắc bảo hiểm y tế
1. Bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia bảo hiểm y tế.
2. Mức đóng bảo hiểm y tế được xác định theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (sau đây gọi chung là tiền lương tháng), tiền lương hưu, tiền trợ cấp hoặc mức tham chiếu.”
Theo đó, từ ngày 01/07/2025, mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) được xác định theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (sau đây gọi chung là tiền lương tháng), tiền lương hưu, tiền trợ cấp hoặc mức tham chiếu.
Mức đóng BHYT đối với công ty và người lao động được quy định thế nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật BHYT 2008 được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 11 Điều 1 Luật BHYT sửa đổi 2024 thì mức đóng BHYT của người sử dụng lao động (công ty) đóng hoặc người lao động đóng hoặc cùng đóng được quy định như sau:
- Mức đóng hàng tháng của đối tượng quy định tại điểm a, c, d và e khoản 1 Điều 12 Luật BHYT 2008 tối đa bằng 6% tiền lương tháng, trong đó, công ty đóng ⅔ và người lao động đóng ⅓;
- Mức đóng hàng tháng của đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Luật BHYT 2008 tối đa bằng 6% tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc và do đối tượng đóng;
- Mức đóng hàng tháng của đối tượng quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Luật BHYT 2008 tối đa bằng 6% tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc và do đối tượng đóng;
- Mức đóng hàng tháng của đối tượng quy định tại điểm g khoản 1 Điều 12 Luật BHYT 2008 tối đa bằng 6% mức tham chiếu, trong đó, công ty đóng ⅔ và người lao động đóng ⅓;
- Mức đóng hàng tháng của đối tượng quy định tại điểm h khoản 1 Điều 12 Luật BHYT 2008 tối đa bằng 6% tiền lương tháng và trách nhiệm đóng theo quy định của Chính phủ;
- Mức đóng hàng tháng của đối tượng quy định tại điểm i khoản 1 Điều 12 Luật bảo hiểm y tế 2008 tối đa bằng 6% mức tham chiếu và trách nhiệm đóng theo quy định của Chính phủ.
Tiền lương, tiền công, tiền trợ cấp làm căn cứ đóng BHYT
Tiền lương, tiền công, tiền trợ cấp làm căn cứ đóng BHYT được quy định cụ thể tại Điều 14 Luật BHYT 2008 (sửa đổi, bổ sung bởi khoản 12 Điều 1 Luật BHYT 2024) như sau:
- Đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định
Căn cứ để đóng BHYT là tiền lương tháng theo ngạch bậc, cấp quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
- Đối với NLĐ hưởng tiền lương, tiền công theo quy định của người sử dụng lao động
Căn cứ để đóng BHYT là tiền lương, tiền công tháng được ghi trong hợp đồng lao động.
- Đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hàng tháng
Căn cứ để đóng BHYT là tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hằng tháng.
- Đối với các đối tượng không thuộc 03 trường hợp trường hợp trên thì căn cứ để đóng BHYT là mức tham chiếu.
- Mức tiền lương tháng tối đa để tính số tiền đóng BHYT là 20 lần mức tham chiếu.
Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về mức tham chiếu bao nhiêu tiền. Tuy nhiên, mức tham chiếu được sử dụng để thay thế cho mức lương cơ sở. Do vậy, trong trường hợp chưa có quy định thì mức tham chiếu bằng với mức lương cơ sở.
Trên đây là toàn bộ nội dung tìm hiểu về mức đóng bảo hiểm y tế được xác định như thế nào từ 1/7/2025. Hy vọng với những thông tin hữu ích trên sẽ giúp bạn đọc xác định được mức đóng BHYT của mình khi Luật BHYT, BHXH mới 2024 có hiệu lực nhé.