Khám sức khỏe tổng quát có được hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) không?
Khi tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), người tham gia sẽ được chi trả 1 phần hoặc toàn bộ chi phí khám chữa bệnh và phục hồi sức khỏe. Tuy nhiên không phải hạng mục khám chữa bệnh nào cũng được BHYT chi trả. Vậy đối với trường hợp khám sức khỏe tổng quát thì có được hưởng BHYT không? Bài viết dưới đây BHXH điện atử sẽ giải đáp thật rõ thắc mắc này nhé.
Khám tổng quát được là hình thức khám sức khỏe nhằm kiểm tra tổng thể để đánh giá chính xác về tình hình sức khỏe ở một thời điểm nhất định. Nếu có vấn đề về bệnh lý thì sẽ nhanh chóng phát hiện và đưa ra phương án điều trị kịp thời.
Khám sức khỏe tổng quát là gì?
Khám tổng quát khác với khám bệnh ở chỗ: Đối với người đi khám bệnh thì bản thân người bệnh đã có những triệu chứng bệnh và đi khám bệnh để tìm ra nguyên nhân và có phương pháp điều trị hợp lý. Còn khám sức khỏe tổng quát là khám bệnh để đánh giá sức khỏe toàn diện của bản thân để phát hiện sớm bệnh lý hay phát hiện những bất thường của cơ thể để có phương án phòng ngừa, điều trị bệnh kịp thời (người khám bệnh không có dấu hiệu rõ ràng của bệnh lý). Các bác sĩ khuyến cáo, việc khám tổng quát cần được thực hiện 6 tháng/lần với mọi giới và mọi lứa tuổi.
Khám tổng quát bao gồm các dịch vụ như: khám, xét nghiệm và các dịch vụ cận lâm sàng toàn diện. Với mục đích tầm soát phát hiện sớm những nguy cơ bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể người khám bệnh. Thông thường 1 gói khám tổng quát bao gồm các dịch vụ:
- Kiểm tra về thể lực, kiểm tra mạch, chỉ số BMI, huyết áp, chiều cao hay cân nặng.
- Khám nội tổng quát để sớm phát hiện các bệnh lý như: tim mạch, tiêu hóa, hô hấp, nội tiết, ….
- Xét nghiệm máu tổng về phân tích 22 thông số: viêm gan, mỡ máu, đường máu (glucose), chức năng thận, tiết niệu, …
- Tổng phân tích nước tiểu
- Điện tim
- Siêu âm tuyến giáp
- X-quang ngực
- Siêu âm bụng tổng quát
- Siêu âm tiền liệt tuyến (Đối với bệnh nhân nam)
- Đo loãng xương bằng phương pháp DEXA (Đối tượng Nam/Nữ từ 50 tuổi lên).
- Soi cổ tử cung (Đối với bệnh nhân nữ đã có gia đình).
Các hạng mục trong gói khám tổng quát có thể thay đổi tùy vào nhu cầu, giới tính, độ tuổi, tiền sử gia đình hoặc theo chỉ định của bác sĩ.
Khám sức khỏe tổng quát có được hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) không?
Căn cứ theo nội dung quy định tại Điều 23 Luật bảo hiểm y tế 2008, các trường hợp KHÔNG ĐƯỢC hưởng BHYT khi đi khám chữa bệnh bao gồm:
- Chi phí trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 đã được ngân sách nhà nước chi trả.
- Điều dưỡng, an dưỡng tại cơ sở điều dưỡng, an dưỡng.
- Khám sức khỏe
- Xét nghiệm, chẩn đoán thai không nhằm mục đích điều trị.
- Sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nạo hút thai, phá thai (trừ trường hợp phải đình chỉ thai nghén do nguyên nhân bệnh lý của thai nhi hoặc sản phụ).
- Sử dụng dịch vụ thẩm mỹ
- Điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt, trừ trường hợp trẻ em dưới 6 tuổi
- Sử dụng vật tư y tế thay thế (mắt giả, răng giả, chân tay giả, kính mắt, máy trợ thính, các phương tiện trợ giúp vận động trong khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng người bệnh…)
- Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng trong trường hợp thảm họa
- Khám bệnh, chữa bệnh nghiện ma túy, nghiện rượu hoặc chất gây nghiện khác
- Giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần
- Tham gia thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu khoa học.
Như vậy, khám tổng quát hay khám sức khỏe thuộc vào trường hợp không được hưởng bảo hiểm y tế. Điều này đồng nghĩa với việc người đi khám sức khỏe không thể sử dụng bảo hiểm y tế để khi thanh toán chi phí khám tổng quát.
Trong trường hợp, người có nhu cầu khám sức khỏe tổng quát và sau đó phát hiện dấu hiệu bệnh, cần tiếp tục chữa bệnh thì có thể sử dụng BHYT trong việc khám chữa bệnh.
Khi nào khám sức khỏe tổng quát được sử dụng bảo hiểm y tế?
Theo Luật Bảo hiểm y tế hiện hành không quy định số lần khám chữa bệnh, số lần xét nghiệm đối với người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh. Tuy nhiên, phạm vi chi trả từ BHYT có giới hạn:
- Với mỗi đối tượng tham gia BHYT có mức hưởng BHYT là khác nhau. Mức hưởng BHYT khi khám chữa bệnh trái tuyến (không đúng cơ sở y tế đăng ký ban đầu) cũng thường ít hơn so với khám chữa bệnh đúng tuyến (đúng nơi đăng ký ban đầu)
=> Chi tiết về mức hưởng BHYT xem tại đây
- Trường hợp người bệnh tự chọn thầy thuốc, tự chọn buồng bệnh, thì Quỹ BHYT chỉ chi trả trong phạm vi người bệnh được hưởng và mức hưởng, nếu có phần chênh lệch còn lại thì người bệnh tự thanh toán.
- BHYT không chi trả một số loại thuốc liên quan đến các bệnh hiểm nghèo (ví dụ: bệnh ung thư…). Khi đó, người tham gia sẽ phải tự chi trả với mức phí thanh toán khá lớn.
Trên đây là giải đáp về thắc mắc khám sức khỏe tổng quát có được hưởng bảo hiểm y tế không của baohiemxahoidientu. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu và sử dụng bảo hiểm y tế để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho bản thân mình.