Quy định về thời gian nghỉ giữa ca làm việc của NLĐ. Phân biệt nghỉ giữa giờ và nghỉ chuyển ca
Để đáp ứng được tiến độ công việc, nhiều doanh nghiệp phải bố trí công nhân làm việc theo ca. Vậy quy định về thời gian nghỉ giữa ca làm việc của người lao động như thế nào? Tham khảo bài viết dưới đây của eBHXH để có câu trả lời nhé.
Nghỉ giữa ca làm việc là gì?
Ca làm việc là khoảng thời gian kể từ khi NLĐ bắt đầu nhận nhiệm vụ cho đến khi kết thúc công việc và bàn giao cho người khác. Thời gian ca làm việc sẽ bao gồm thời gian làm việc và thời gian nghỉ giữa giờ.
Doanh nghiệp làm việc theo ca sẽ phải bố trí ít nhất là 2 người hoặc 2 nhóm người thay phiên nhau làm việc trên cùng một vị trí công việc, tính trong thời gian 1 ngày (24 tiếng)
Người sử dụng lao động cần đảm bảo bố trí cho người lao động làm việc theo ca nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca làm việc khác.
Quy định về thời gian nghỉ giữa ca làm việc của người lao động
Vấn đề sắp xếp ca làm việc và thời gian nghỉ giữa ca hợp lý có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe của NLĐ, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả công việc.
Căn cứ theo quy định của Pháp luật, doanh nghiệp cần nắm bắt rõ để tổ chức ca làm việc và thời gian nghỉ hợp lý, tránh rủi ro về mặt pháp lý.
Thời gian làm việc theo 1 ca của NLĐ được quy định tại điều 105, bộ luật lao động 2019:
- Làm việc bình thường theo ngày thời gian tối đa là 8 tiếng/ ngày.
- Làm việc bình thường theo tuần thời gian tối đa theo tuần là 10 tiếng/ngày
- Làm việc bình thường theo ngày và theo tuần tối đa là 48 tiếng/ tuần.
Căn cứ theo điều 109 của bộ luật lao động và điều 64 của Nghị định 145/2020/NĐ-CP, thời gian nghỉ giữa ca được quy định như sau:
- Đối với người lao động làm việc từ 6 tiếng/ ngày trở lên (vào ban ngày) thì thời gian nghỉ giữa ca ít nhất là 30 phút liên tục.
- Đối với người lao động làm việc từ 6 tiếng/ ngày trở lên (vào ban đêm hoặc có ít nhất 3 giờ làm việc vào ban đêm) thì thời gian nghỉ giữa ca ít nhất là 45 phút liên tục.
- NLĐ làm việc theo ca liên tục 6 giờ trở lên thì thời gian nghỉ ca sẽ được tính vào thời gian làm việc.
Các bên có quyền thương lượng về thời gian nghỉ giữa ca tính vào giờ làm việc dù không làm việc theo ca liên tục.
Để NLĐ được tính lương trong thời gian nghỉ giữa giờ thì người lao động phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Người lao động làm việc trong ca từ 6 tiếng trở lên.
- Thời gian chuyển tiếp giữa 2 ca làm việc liền kề không quá 45 phút.
Bố trí ca làm việc 12 tiếng thì người lao động được hưởng lương thế nào?
Theo quy định của bộ luật lao động thì thời gian ca làm việc bình thường cho người lao động tối đa là 8 giờ/ngày khi làm việc theo ngày và tối đa 10 giờ/ngày khi làm việc theo tuần.
Vì thế khi doanh nghiệp bố trí ca làm việc 12 tiếng/ngày thì sẽ được tính là làm thêm giờ và cần được người lao động đồng ý. Đồng thời số giờ làm thêm phải đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Khi làm ca 12 giờ làm việc, NLĐ sẽ được hưởng thêm lương làm thêm tương ứng với số giờ như sau:
- Làm việc theo ngày: Được tính 4 giờ làm thêm/ ngày.
- Làm việc theo tuần: Được tính 2 giờ làm thêm/ngày.
Điểm khác nhau giữa nghỉ giữa giờ và nghỉ chuyển ca làm việc của người lao động
Người lao động cần phân biệt được nghỉ giữa giờ và nghỉ chuyển ca trong một ca làm việc.
Có thể hiểu nghỉ giữa giờ là thời gian nghỉ ngơi được tính vào thời gian làm việc của ca.
+ Đối với người lao động làm việc liên tục 6 tiếng/ ngày trở lên (ca ngày) thì thời gian nghỉ giữa giờ là 30 phút.
+ Đối với người lao động làm việc liên tục 6 tiếng/ ngày trở lên (ca đêm hoặc có thời gian làm việc ít nhất là 3 tiếng ban đêm) thì thời gian nghỉ giữa giờ là 45 phút.
Nghỉ chuyển ca là khoảng thời gian nghỉ ngơi giữa các ca của cùng người lao động khi làm việc theo ca.
Người làm việc theo ca được nghỉ ít nhất 12 tiếng trước khi chuyển sang ca làm việc khác.
Trên đây là những quy định về thời gian nghỉ giữa ca làm việc của người lao động. Doanh nghiệp cần lưu ý khi sắp xếp ca làm việc và thời gian nghỉ giữa ca để tránh vi phạm về luật lao động.