BHXH tự nguyện bổ sung chế độ thai sản - Làm sao để được hưởng?
Luật bảo hiểm xã hội 2024 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/07/2025, theo đó lao động khi tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng thêm chế độ thai sản. Vậy, điều kiện để nhận trợ cấp thai sản khi đóng BHXH tự nguyện như thế nào? Mức trợ cấp là bao nhiêu? Làm thế nào để nhận trợ cấp? Cùng eBHXH tổng hợp tất cả những lưu ý quan trọng trong bài viết dưới đây.
Trước đây căn cứ tại khoản 2 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, nhóm đối tượng đóng BHXH tự nguyện sẽ chỉ được hưởng 2 chế độ hưu trí, tử tuất. Tuy nhiên với Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã có sự thay đổi (có hiệu lực vào 01/07/2025), người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được bổ sung thêm chế độ thai sản.
Đây là thay đổi vô cùng lớn, giúp hàng triệu lao động tự do, kinh doanh cá thể, nông dân,… yên tâm hơn trong việc kế hoạch hóa gia đình. Đặc biệt cũng là tin mừng dành cho các lao động nữ, giúp phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được đảm bảo đủ quyền lợi, thu nhập khi thực hiện thiên chức làm mẹ.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 94 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, quy định:
“1. Đối tượng có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con được hưởng trợ cấp thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ sinh con;
b) Lao động nam có vợ sinh con.
2. Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng trợ cấp thai sản.
3. Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản quy định tại khoản 1 Điều này thì chỉ cha hoặc mẹ được hưởng trợ cấp thai sản.
4. Trường hợp người quy định tại khoản 1 Điều này vừa có đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện và vừa có đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc thì chỉ được hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc.
5. Trường hợp mẹ đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, cha đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện thì mẹ được hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc và cha được hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện.
6. Trường hợp cha đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, mẹ đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện thì cha được hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc và mẹ được hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện.”
Như vậy, đối tượng được nhận hỗ trợ thai sản khi tham gia BHXH tự nguyện là cả nam và nữ đã đóng đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Tuy nhiên với gia đình có cả vợ và chồng cùng đóng BHXH tự nguyện trong thời gian quy định thì chỉ 1 trong 2 được hưởng trợ cấp thai sản.
Theo Điều 95 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 thì mức hưởng chế độ thai sản khi tham gia BHXH tự nguyện được quy định:
“1. Mức trợ cấp thai sản là 2.000.000 đồng cho mỗi con được sinh ra và mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ.
Lao động nữ là người dân tộc thiểu số hoặc lao động nữ là người dân tộc Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo khi sinh con còn được hưởng chính sách hỗ trợ khác theo quy định của Chính phủ.
2. Ngân sách nhà nước bảo đảm thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này. Chính phủ quyết định điều chỉnh mức trợ cấp thai sản phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.”
Như vậy, từ ngày 01/07/2025, khi Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực, sẽ có 04 chế độ BHXH mà những người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng bao gồm:
(1) Trợ cấp thai sản.
(2) Hưu trí.
(3) Tử tuất.
(4) Bảo hiểm tai nạn lao động.
Căn cứ vào Điều 96 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, để được nhận trợ cấp thai sản, người tham gia BHXH tự nguyện cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
“1. Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;
2. Trường hợp thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ hoặc con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì hồ sơ là một trong các giấy tờ sau đây:
a) Bản chính hoặc bản sao bản tóm tắt hồ sơ bệnh án có thể hiện thông tin con chết;
b) Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện của lao động nữ sinh con có thể hiện thông tin con chết;
c) Bản sao giấy báo tử của con;
d) Văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã đối với trường hợp con chết trong vòng 24 giờ sau khi sinh.’’
Tham gia BHXH tự nguyện, người dân không chỉ được Nhà nước hỗ trợ mức đóng mà còn được hưởng nhiều quyền lợi thiết thực như: có cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng, được cấp thẻ BHYT miễn phí để đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe khi hết tuổi lao động; người thân được nhận chế độ tử tuất khi chẳng may người tham gia qua đời.
Và đặc biệt theo quy định mới, người dân đóng BHXH tự nguyện còn được hưởng thêm chế độ thai sản, giúp giải quyết phần nào vấn đề kinh tế cho các gia đình đóng BHXH tự nguyện khi chuẩn bị sinh con.
Việc bổ sung thêm chế độ thai sản là 1 động thái tích cực, cho thấy nhà nước đang nỗ lực khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện. Đây là thời điểm thích hợp cho bạn chủ động tham gia BHXH tự nguyện để đảm bảo quyền lợi cho bản thân, đặc biệt trước các giai đoạn quan trọng của cuộc đời.
Trên đây là những lưu ý quan trọng để người lao động tham gia BHXH tự nguyện nắm rõ thông tin về việc hưởng trợ cấp thai sản theo quy định mới nhất. Để được tư vấn thêm về chính sách BHXH, bạn đọc vui lòng liên hệ đến tổng đài 19006142 hoặc 19006139 nhé.
Để được hỗ trợ tư vấn và đăng ký dùng thử EFY-eBHXH, vui lòng đăng ký TẠI ĐÂY
✅ Liên hệ với chúng tôi để được tư vấn về phần mềm eBHXH: