Đối tượng được cấp thẻ BHYT cựu chiến binh và mức hưởng BHYT của cựu chiến binh
Ai thuộc đối tượng được cấp thẻ BHYT cựu chiến binh? Mức hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) của cựu chiến binh là bao nhiêu? Trong bài viết hôm nay, cùng EFY-eBHXH tìm hiểu về các quy định liên quan đến đối tượng và mức hưởng BHYT của cựu chiến binh nhé.
Các trường hợp được cấp thẻ BHYT cựu chiến binh theo quy định
Theo quy định tại điểm b Khoản 4 Điều 3 Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT. Cựu chiến binh thuộc đối tượng tham gia BHYT theo nhóm do ngân sách Nhà nước đóng là các đối tượng sau:
(1) Cựu chiến binh tham gia kháng chiến từ 30/4/1975 trở về trước theo quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4 Điều 2 Nghị định 150/2006/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định 157/2016/NĐ-CP;
(2) Cựu chiến binh tham gia kháng chiến sau ngày 30/4/1975 theo quy định tại Khoản 5 Điều 2 Nghị định số 150/2006/NĐ-CP và Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 157/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 150/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Bao gồm:
- Quân nhân và công nhân viên quốc phòng đã được hưởng trợ cấp theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ hoặc thôi việc;
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ và công nhân viên quốc phòng trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ ở Campuchia hoặc giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 chuyển ngành về làm việc tại các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan (không được hưởng trợ cấp theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg);
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đã hoàn thành nghiệm vụ tại ngũ trong thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc đã phục viên, nghỉ hưu hoặc chuyển ngành làm việc tại các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp;
- Dân quân tự vệ tham gia chiến đấu, trực tiếp chiến đấu sau ngày 30/4/1975 đã được hưởng trợ cấp theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg.
Mức hưởng BHYT đối với cựu chiến binh
Căn cứ theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 22 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung 2014, mức hưởng BHYT đối với cựu chiến binh được quy định như sau:
“Điều 22. Mức hưởng BHYT
1/ Người tham gia BHYT khi đi khám, chữa bệnh theo quy định tại Điều 26, 27, 28 của Luật này thì được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng. Mức hưởng được quy định như sau:
a. 100% chi phí khám, chữa bệnh đối với đối tượng quy định tại các điểm a, d, e, g, h, i Khoản 3 Điều 12 của Luật này. Chi phí khám, chữa bệnh ngoài phạm vi được hưởng BHYT của đối tượng quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 12 Luật này được chi trả từ nguồn kinh phí BHYT dành cho khám, chữa bệnh của nhóm đối tượng này; trường hợp nguồn kinh này không đủ thì sẽ do ngân sách Nhà nước đảm bảo.”
Như vậy, người tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh là đối tượng được cấp thẻ BHYT cựu chiến binh thì được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng như sau:
- 100% chi phí khám chữa bệnh đối với đối tượng được cấp BHYT cựu chiến binh. Chi phí khám chữa bệnh ngoài phạm vi được hưởng BHYT được chi trả từ nguồn kinh phí BHYT dành cho khám, chữa bệnh của nhóm đối tượng này. Trong trường hợp vượt quá phạm vi được hưởng thì các dịch vụ sẽ phải tự chi trả.
Theo đó, mức hưởng tối đa của các đối tượng có BHYT cựu chiến binh là 100% nhưng không được vượt quá 40 tháng lương cơ sở hiện hành. Theo quy định tại Nghị định 24/2023/NĐ-CP, từ ngày 1/7/2023 mức lương cơ sở theo quy định là 1.800.000 đồng. Do vậy, mức hưởng tối đa tương đương với 72.000.000 đồng.
Trên đây là toàn bộ nội dung về đối tượng được cấp thẻ BHYT cựu chiến binh và mức hưởng BHYT đối với cựu chiến binh. Mọi thắc mắc về BHYT, bạn đọc vui lòng liên hệ đến hotline để được tư vấn chính xác nhất.