Mổ sỏi thận có được hưởng BHYT không? Mức chi phí mổ sỏi thận
Sỏi thận là một loại bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi. Khi người bệnh mổ sỏi thận có được hưởng BHYT không? Mức chi phí mổ sỏi thận có bảo hiểm bao nhiêu? Cùng eBHXH tìm hiểu câu giải đáp cho vấn đề này ngay dưới đây nhé.
Mổ sỏi thận có được hưởng BHYT không?
Sỏi thận hay còn gọi là sạn thận - là một bệnh lý thường gặp và gây ra ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người bệnh. Khi các chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng lại, kết tinh sẽ hình thành những viên sỏi cứng rắn và gây ra những cơ đau quặn thắt dữ dội.
Đối với những viên sỏi nhỏ, có thể tự đào thải ra ngoài qua đường niệu đạo. Tuy nhiên, với những viên sỏi lớn thì cần phải có sự can thiệp của y tế để điều trị. Các biện pháp như tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi nội soi qua da hoặc mổ mở lấy sỏi là các cách điều trị bệnh sỏi thận. Chi phí cho các phương pháp điều trị này thường cao và gây ra áp lực tài chính lớn cho người bệnh.
Như vậy, khi điều trị sỏi thận, người bệnh vẫn được hưởng BHYT theo mức hưởng sau:
Khi người bệnh đăng ký phẫu thuật lấy sỏi thận đúng tuyến theo BHYT sẽ được hỗ trợ với mức như sau cho từng đối tượng:
- Hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh thuộc phạm vi kỹ thuật đối với các đối tượng có ký hiệu: CC, TE.
Hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh thuộc phạm vi chi trả BHYT (có giới hạn tỷ lệ thanh toán cho một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật), chi phí vận chuyển bệnh nhân từ tuyến huyện lên tuyến trên trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với các đối tượng có ký hiệu: CK, CB, KC, HN, DT, DK, XD, BT, TS.
- Hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh thuộc phạm vi chi trả BHYT (có giới hạn tỷ lệ thanh toán cho một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật) đối với các đối tượng có ký hiệu: HT, TC, CN.
- Hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh thuộc phạm vi chi trả BHYT (có giới hạn tỷ lệ thanh toán cho một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật) đối với các đối tượng có ký hiệu: DN, HX, CH, NN, TK, HC, XK, TB, NO, CT, XB, TN, CS, XN, MS, HD, TQ, TA, TY, HG, LS, PV, HS, SV, GB, GD.
Đối với bệnh nhân mổ sỏi thận trái tuyến vẫn được hưởng BHYT nhưng với mức hỗ trợ thấp hơn:
- Hưởng 60% chi phí khám chữa bệnh BHYT trong phạm vi mức hưởng quy định tại cơ sở KCB tuyến tỉnh.
- Hưởng 40% chi phí khám chữa bệnh BHYT trong phạm vi mức hưởng quy định tại cơ sở KCB tuyến Trung ương.
Nếu trên thẻ BHYT có ký hiệu K1, K2 hoặc K3 thì bệnh nhân đó sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi khi mổ thận tại cơ sở KCB tuyến tỉnh và tuyến Trung ương.
Chi phí điều trị sỏi thận bao nhiêu?
Hiện nay, có 03 phương pháp mổ sỏi thận được áp dụng gồm tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi nội soi qua da và mổ mở lấy sỏi. Với mỗi phương pháp đều có ưu nhược điểm riêng, người bệnh và người thân nên nghe tư vấn của bác sĩ điều trị trước khi thực hiện mổ sỏi thận.
Phương pháp 1: Tán sỏi ngoài cơ thể (ESWL)
Đây là phương pháp sử dụng sóng âm tần số cao để phá vỡ sỏi thận và để chúng tự đào thải ra ngoài theo đường niệu đạo.
Ưu điểm: Ít xâm lấn, không cần phẫu thuật và thời gian hồi phục nhanh
Nhược điểm: Chỉ hiệu quả với sỏi nhỏ (kích thước dưới 1cm) và nằm ở vị trí thuận lợi. Có thể gây ra một số tác dụng phụ sau khi điều trị như bầm tím, buồn nôn, đau bụng nhẹ.
Chi phí: Khoảng 5-10 triệu đồng, tùy thuộc vào kích thước, vị trí sỏi thận và cơ sở y tế thực hiện.
Phương pháp 2: Tán sỏi nội soi qua da (PCNL)
Đây là phương pháp điều trị sỏi thận bằng cách sử dụng ống nội soi đưa vào cơ thể qua da lưng, tiếp cận sỏi và phá vỡ bằng sóng siêu âm, laser hoặc điện thủy lực.
Ưu điểm: Hiệu quả với sỏi thận có kích thước lớn và ở vị trí khó.
Nhược điểm: Xâm lấn hơn ESWL và có thể gây ra một số biến chứng như chảy máu, nhiễm trùng, tổn thương niệu quản.
Chi phí: Khoảng 15-25 triệu đồng, tùy thuộc vào kích thước, vị trí sỏi thận và cơ sở y tế thực hiện.
Phương pháp 3: Mổ mở lấy sỏi thận
Bác sĩ phẫu thuật thực hiện phương pháp này sẽ cắt một đường rạch nhỏ trên da lưng hoặc bụng để tiếp cận và lấy sỏi ra ngoài.
Ưu điểm: Hiệu quả với tất cả loại sỏi và bất cứ vị trí nào.
Nhược điểm: Xâm lấn nhất, thời gian hồi phục lâu. Có thể để lại sẹo sau khi mổ và nguy cơ biến chứng cao hơn so với các phương pháp khác.
Chi phí: Khoảng 20-30 triệu đồng, tùy thuộc vào kích thước, vị trí sỏi thận và cơ sở y tế thực hiện.
Những lưu ý sau khi mổ sỏi thận
Sau khi mổ sỏi thận, sức khỏe của người bệnh còn khá yếu nên cần có chế độ chăm sóc đặc biệt. Theo các chuyên gia, chế độ chăm sóc sau khi mổ sỏi thận có thể ảnh hưởng đến 50% hiệu quả của ca mổ và thời gian phục hồi.
Do vậy, người bệnh cần lưu ý một số điều sau:
(1) Tích cực rèn luyện sức khỏe. Sau khi vết thương ổn định và lành miệng, người bện đã có thể thực hiện các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga… để giúp thể trạng tiến triển tích cực, tăng cường tuần hoàn máu và cải thiện chức năng của thận.
(2) Tuân thủ hướng dẫn, tái khám đúng hẹn. Người bệnh cần tái khám đúng lịch hẹn, sử dụng các loại thuốc đủ liều lượng và thời gian theo chỉ định của bác sĩ. Chủ động theo dõi nhu động ruột và các tình trạng đau buốt, khó chịu, căng chướng bụng,… để kịp thời xử lý, hạn chế biến chứng nguy hiểm.
(3) Lưu ý về ăn uống. Người bệnh nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, uống nhiều nước, bổ sung thực phẩm giàu canxi một cách hợp lý và tăng cường thực phẩm giàu chất xơ.
Sau khi mổ sỏi thận cần kiêng các thực phẩm như thực phẩm cứng, khó tiêu; đồ ăn chứa lượng dầu mỡ, muối cao; thực phẩm gây kích ứng, đồ ăn cay nóng; đồ ăn lên men; chất kích thích, cà phê, rượu bia; đồ ăn có chứa lượng oxalat cao như: Khoai tây, khoai lang, củ cải đường; thực phẩm chứa nhiều đạm.
Trên đây là toàn bộ nội dung tìm hiểu về mổ sỏi thận có được hưởng BHYT không và mức chi phí khi có bảo hiểm. Hy vọng với những thông tin trên sẽ giúp bạn đọc nắm rõ các quyền lợi khi tham gia BHYT nhé.