Lương cứng là gì? Phân biệt lương cứng với các loại lương thường gặp
Lương cứng là gì? Lương cứng và lương cơ bản có giống nhau không là vấn đề được nhiều người lao động quan tâm khi mới tham gia vào thị trường lao động. Lương cứng là một phần quan trọng trong thu nhập của người lao động ngoài các khoản phụ cấp và thưởng hàng tháng. Việc hiểu rõ về lương cứng sẽ giúp người lao động đàm phán lương hiệu quả và bảo vệ được quyền lợi của mình. Trong bài viết dưới đây, cùng eBHXH tìm hiểu về lương cứng nhé.
Thế nào là lương cứng?
Lương cứng là khái niệm phổ biến, được dùng để chỉ số tiền mà người lao động được doanh nghiệp, công ty trả hàng tháng theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Hiểu đơn giản thì lương cứng là số tiền mà người lao động nhận được khi làm một công việc nào đó.
Lương cứng của người lao động sẽ không cố định mà phụ thuộc vào từng vị trí, tính chất công việc và kinh nghiệm của người lao động. Đây là phần thu nhận thường được xác định cụ thể bằng việc ký kết trong hợp đồng lao động và không thay đổi trong suốt thời gian hợp đồng còn hiệu lực (trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác).
Người sử dụng lao động (Doanh nghiệp) phải có nghĩa vụ trả tiền cho người lao động đúng thời hạn và đầy đủ theo đúng hợp đồng lao động.
Ý nghĩa của lương cứng
Tiền lương là công cụ trao đổi giữa người lao động và doanh nghiệp. Do vậy, khi người lao động bỏ công sức làm việc thì doanh nghiệp sẽ trả cho người lao động số tiền tương ứng với công sức lao động mà NLĐ đã bỏ ra.
Với người lao động: Lương cứng là khoản tiền để người lao động có trách nhiệm với công việc và động lực hoàn thành công việc hiệu quả.
Với doanh nghiệp: Lương cứng là công cụ để giữ chân nhân viên và là khoản chi để doanh nghiệp vận hành ổn định.
Hướng dẫn công thức tính lương cứng
Lương cứng phụ thuộc vào 02 yếu tố: Số ngày làm việc và mức lương thỏa thuận trong hợp đồng. Do vậy, công thức tính lương cứng phổ biến mà các doanh nghiệp thường sử dụng nhưu sau:
Ví dụ: Anh Nguyễn Văn A đi làm tại công ty B với mức lương cứng theo thỏa thuận là 10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, anh A được phụ cấp thêm 1 triệu đồng/tháng tiền xăng xe, đi lại. Công ty B chỉ làm từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Tuy nhiên, tháng 6 vừa rồi, anh A nghỉ 2 ngày không phép. Tổng số công thực tế đi làm là 20 công.
Mức lương cứng tháng 6 mà anh A nhận được tính như sau: (10 triệu + 1 triệu)/22 x 20 = 10 triệu đồng.
Phân biệt lương cứng và các loại lương thường gặp
Lương cứng và lương cơ bản là 02 khái niệm phổ biến trong hợp đồng lao động và thường bị nhầm lẫn là tương đồng. Tuy nhiên, đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Lương cơ bản là mức lương thỏa thuận giữa người lao động và doanh nghiệp, được ghi rõ trong hợp đồng lao động. Đây được coi là cơ sở để tính tiền công hàng tháng nên lương cơ bản thường là mức lương thấp nhất mà người lao động có thể nhận được. Trong khi đó, lương cứng thường có mức cao hơn so với lương cơ bản.
Lương cơ bản là thuật ngữ thường thấy ở những lao động có thu nhập thấp còn lương cứng thường được dùng cho những lao động có thu nhập cao hơn.
Đặc biệt, lương cơ bản không bao gồm tiền thưởng và các khoản phụ cấp, trợ cấp. Còn lương cứng có thể bao gồm các khoản tiền phụ cấp mà người lao động nhận được (có thể coi là mức lương thật của NLĐ). Do vậy, lương cơ bản không phải là mức lương thực tế của người lao động.
Lương mềm là khái niệm được dùng để đo hiệu quả trong công việc của người lao động. Lương mềm thường được tính theo công thức sau:
Lương mềm = Lương cứng x Hệ số
Lương cứng mà người lao động nhận được có thể chưa bao gồm khoản tiền được hưởng theo hiệu quả công việc. Trong khi đó, lương mềm thể hiện rõ hiệu quả công việc của người lao động cũng như sự ghi nhận của doanh nghiệp với người lao động.
Lương tối thiểu vùng là mức lương thấp nhất được dùng làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận về tiền lương với nhau.
Theo đó, mức lương mà doanh nghiệp trả cho người lao động trong điều kiện làm việc bình thường, đảm bảo đủ thời gian làm việc trong tháng và hoàn thành đủ định mức lao động phải đảm bảo các điều kiện dưới đây:
- Người lao động làm công việc đơn giản nhất: Mức lương không thấp hơn lương tối thiểu vùng.
- Người lao động làm công việc đòi hỏi đã qua học nghề, đào tạo nghề: Mức lương cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu.
Khoản tiền thưởng - hay còn gọi là lương thưởng, là số tiền không có trong hợp đồng lao động và phụ thuộc vào hiệu quả làm việc, chính sách của doanh nghiệp.
Người lao động có thể nhận được cả lương cứng và lương thưởng nếu hoàn thành tốt công việc, vượt KPIs và công ty có chính sách rõ ràng về khoản thưởng này.
Tiền hoa hồng là khoản tiền mà NLĐ nhận được khi bán sản phẩm, dịch vụ, mang lại doanh thu cho doanh nghiệp. Người lao động bán càng nhiều thì số tiền hoa hồng nhận được sẽ càng cao.
Với lương cứng, người lao động sẽ chỉ nhận được một khoản cố định dù có bán được nhiều hay ít sản phẩm trong tháng. Thông thường, các doanh nghiệp sẽ sử dụng tiền hoa hồng đối với các vị trí nhân viên kinh doanh (sale).
Lương cứng là một khoản tiền lương cụ thể mà người lao động nhận được mà không dựa vào số giờ làm việc. Ngược lại, tiền lương làm theo giờ là mức lương được trả cho mỗi giờ làm việc.
Trên đây là toàn bộ nội dung tìm hiểu về lương cứng là gì và phân biệt lương cứng với các loại lương thường gặp. Lương cứng không chỉ là số tiền người lao động nhận được cố định hàng tháng mà còn có vai trò quan trọng để ổn định tài chính, tạo động lực làm việc và duy trì cuộc sống cho người lao động. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp được thêm thông tin hữu ích cho bạn đọc để đảm bảo quyền lợi của mình khi đi làm nhé.