Cập nhật ngay những điểm mới trong Nghị định 188 về Luật Bảo hiểm Y tế
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 188/2025/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Nghị định này không chỉ cụ thể hóa các điểm mới trong luật, mà còn tạo nền tảng thống nhất, đồng bộ và khả thi để chính sách BHYT đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, sát thực tiễn. Cùng eBHXH tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Theo Nghị định, ngoài các nhóm đã được quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 12 của Luật BHYT, người tham gia BHYT còn bao gồm các đối tượng:
- Công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định của Chính phủ tham gia BHYT theo nhóm do cơ quan BHXH đóng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Luật BHYT.
- Người dân các xã an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp hoặc chống Mỹ hiện đang thường trú tại các xã an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp hoặc chống Mỹ đã được cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú tham gia BHYT theo nhóm do ngân sách nhà nước đóng quy định tại khoản 3 Điều 12 của Luật BHYT.
- Người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú thuộc hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người hằng tháng thấp hơn mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ mà không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 12 của Luật BHYT tham gia BHYT theo nhóm do ngân sách nhà nước đóng quy định tại khoản 3 Điều 12 của Luật BHYT.
- Nạn nhân bom mìn vật nổ sau chiến tranh theo quy định tại khoản 8 Điều 3 của Nghị định số 18/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ về quản lý và thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh mà không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 12 của Luật BHYT tham gia BHYT theo nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng quy định tại khoản 4 Điều 12 của Luật BHYT.
- Thân nhân của người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu theo quy định của pháp luật về cơ yếu không thuộc đối tượng tham gia BHYT theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h và i khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 12 của Luật BHYT tham gia BHYT theo nhóm do người sử dụng lao động đóng hoặc người lao động đóng hoặc cùng đóng quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật BHYT.
- Người tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế và các đối tượng khác đã được ngân sách nhà nước đóng BHYT theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày 01 tháng 01 năm 2025 tham gia BHYT theo nhóm do ngân sách nhà nước đóng quy định tại khoản 3 Điều 12 của Luật BHYT.
- Học viên đào tạo quân sự Ban Chỉ huy quân sự cấp xã trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở hệ tập trung theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các quy định của pháp luật trước ngày 01 tháng 01 năm 2025 đang hưởng sinh hoạt phí từ ngân sách nhà nước, chưa tham gia bảo hiểm y tế thì tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm do ngân sách nhà nước đóng quy định tại khoản 3 Điều 12 của Luật BHYT.
Các đối tượng đồng thời thuộc nhiều nhóm khác nhau sẽ tham gia theo nguyên tắc ưu tiên quy định tại điểm a khoản 5 Điều 13 Luật BHYT. Người thuộc đối tượng được quy định tại khoản 4 Điều này đồng thời thuộc đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 12 của Luật BHYT thì được lựa chọn tham gia theo đối tượng có mức hỗ trợ cao nhất.
Nghị định quy định chi tiết các mức đóng BHYT theo từng nhóm đối tượng. Mức đóng phổ biến là 4,5% mức tiền lương tháng hoặc mức lương cơ sở, với tỷ lệ đóng giữa người sử dụng lao động và người lao động được xác định theo từng trường hợp. Bên cạnh đó nghị định cũng nêu rõ chi tiết mức đóng do cơ quan BHXH đóng; Mức đóng của nhóm do ngân sách nhà nước đóng; Mức đóng của nhóm do ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng; Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 12 của Luật BHYT.
Đáng chú ý, thành viên hộ gia đình quy định tại điểm a khoản 5 Điều 12 của Luật BHYT cùng tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình trong năm tài chính thì được giảm trừ mức đóng như sau: người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định rõ mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước được quy định như sau:
- Hỗ trợ 100% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang cư trú trên địa bàn các xã nghèo theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền;
- Hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng BHYT đối với đối tượng quy định tại điểm a khoản 4 Điều 12 của Luật BHYT;
- Hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng BHYT đối với đối tượng quy định tại điểm g khoản 4 Điều 12 của Luật BHYT. Thời gian hỗ trợ là 36 tháng kể từ thời điểm xã nơi đối tượng đang sinh sống không còn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn;
- Hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng BHYT đối với đối tượng quy định tại điểm i khoản 4 Điều 12 của Luật BHYT. Thời gian hỗ trợ là 01 năm kể từ khi đối tượng được cơ quan có thẩm quyền xác nhận là nạn nhân theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người;
- Hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng BHYT đối với đối tượng quy định tại các điểm b, c, đ, e và h khoản 4 Điều 12 của Luật BHYT;
- Hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT đối với đối tượng quy định tại điểm d khoản 4 Điều 12 của Luật BHYT và khoản 4 Điều 5 Nghị định này.
Nghị định 188/2025/NĐ-CP không chỉ làm rõ các nhóm đối tượng tham gia BHYT mà còn quy định chi tiết mức đóng, mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo từng trường hợp cụ thể. Với việc mở rộng diện bao phủ BHYT và chính sách hỗ trợ linh hoạt, Nghị định là bước tiến quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu BHYT toàn dân, đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho mọi tầng lớp.
Liên hệ ngay EFY Việt Nam để nhận tư vấn và hỗ trợ chi tiết nhất!