[Giải đáp] Người lao động đã rút bảo hiểm xã hội có đóng lại được không?
Sau khi khi đã rút bảo hiểm xã hội 1 lần, nhiều người lao động tiếp tục quay lại thị trường lao động thắc mắc có tiếp tục được đóng BHXH hay không? Hoặc làm thế nào để đóng lại BHXH khi đã chuyển sang công ty mới làm việc? Trong bài viết hôm nay, cùng EFY-eBHXH giải đáp có được đóng BHXH sau khi đã rút BHXH 1 lần hay không nhé.
Ai có thể nhận BHXH một lần
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, người lao động đủ điều kiện để yêu cầu hưởng BHXH 1 lần thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các Khoản 1, 2, 4 Điều 54 Luật BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH hoặc theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 Bộ luật này mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện;
b) Người lao động sau 1 năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH;
c) Người tham gia ra nước ngoài để định cư;
d) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như bại liệt, xơ gan cổ chướng, ung thư, phong, lao nặng, nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS và những loại bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.
Đã rút BHXH 1 lần rồi có tham gia BHXH lại được không
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, nếu người tham gia BHXH đã rút BHXH 1 lần thì thời gian đóng BHXH trước đó của người tham gia sẽ bị xóa bỏ. Tại Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH năm 2014 cũng nêu rõ người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc bao gồm:
(1) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn/xác định thời hạn, hợp đồng mùa vụ hoặc theo công việc nhận định có thời hạn từ đủ 3 - 12 tháng (kể cả hợp đồng được ký kết giữa người sử dụng lao động và người đại diện của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật);
(2) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 - 3 tháng;
Theo Bộ luật này, khi đã rút BHXH người lao động vẫn có thể tiếp tục tham gia lại BHXH. Người lao động cần lưu ý, người sử dụng lao động/công ty chỉ có trách nhiệm đóng BHXH bắt buộc với những nhân viên có ký hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng trở lên.
Do vậy, khi người lao động đã rút BHXH 1 lần và đi làm tại công ty mới thì người lao động sẽ được đóng lại BHXH khi ký hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng trở lên với công ty đó.
Những quyền lợi người tham gia được nhận khi đóng BHXH
Quyền lợi khi tham gia lại BHXH của người lao động phụ thuộc vào thời gian đóng và loại hình bảo hiểm tham gia. Theo quy định tại Luật BHXH năm 2014, người tham gia BHXH bắt buộc sẽ được hưởng các quyền lợi sau:
Chế độ ốm đau: Người lao động được nhận trợ cấp và nghỉ làm khi bản thân ốm đau hoặc con dưới 07 tuổi bị ốm. Thời gian nghỉ và mức trợ cấp được căn cứ vào số năm và mức lương đóng BHXH.
Chế độ thai sản: Người lao động nữ khi mang thai, sinh, nuôi con được nghỉ làm và nhận trợ cấp BHXH. Thời gian nghỉ và mức trợ cấp được nhận căn cứ vào số con sinh ra, số năm và mức đóng BHXH.
Chế độ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp: Người lao động khi bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp sẽ được miễn phí khám chữa bệnh và nhận trợ cấp hàng tháng hoặc nhận trợ cấp BHXH 1 lần. Mức trợ cấp được căn cứ vào mức suy giảm khả năng lao động, số năm và mức đóng BHXH.
Chế độ hưu trí: Người lao động khi về hưu sẽ được nhận lương hưu hàng tháng hoặc trợ cấp 1 lần theo quy định. Mức lương hưu được nhận sẽ được căn cứ theo tuổi về hưu và số năm, mức đóng BHXH của lao động.
Chế độ tử tuất: Khi người lao động qua đời sẽ được nhận trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất hàng tháng hoặc 1 lần cho người thân. Mức trợ cấp tuất được căn cứ vào số người phụ thuộc và số năm, mức đóng BHXH.
Khi người lao động tham gia BHXH tự nguyện sẽ chỉ được hưởng 2 quyền lợi là chế độ về hưu và tử tuất.
Các tham gia BHXH sau khi đã đi làm ở công ty mới
Như đã đề cập ở phần 1, người lao động khi đã rút BHXH 1 lần hoàn toàn có thể tiếp tục tham gia BHXH tại công ty mới. Tuy nhiên, sau khi đã nhận tiền BHXH 1 lần thì Cơ quan BHXH sẽ thu hồi sổ BHXH của người tham gia.
Trong trường hợp người lao động đi làm trở lại và tiếp tục tham gia BHXH thì công ty mới sẽ thực hiện các thủ tục báo tăng lao động và đóng BHXH cho người lao động theo quy định.
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 2 Quyết định 595/QĐ-BHXH 2017, mỗi cá nhân khi tham gia BHXH sẽ được cơ quan BHXH cấp cho mã số và ghi nhận mã số này trên sổ BHXH và thẻ BHYT của người lao động. Mã số này là cơ sở để Cơ quan BHXH quản lý thông tin tham gia của lao động.
Khi làm thủ tục báo tăng và đóng BHXH cho người lao động, người sử dụng lao động cần thực hiện theo quy trình sau:
Bước 1: Lập danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo mẫu D02-LT. Lưu ý: phải kê khai thông tin mã số BHXH theo đúng mã số cũ;
Bước 2: Điền đầy đủ thông tin trên Bảng kê thông tin theo Mẫu D01-TS;
Sau khi đã điền đầy đủ thông tin thì công ty nộp lại các mẫu đơn cho cơ quan BHXH. Cơ quan BHXH tiếp nhận hồ sơ và tiếp hành cấp sổ BHXH mới với mã số BHXH được giữ nguyên.
Trên đây là nội dung giải đáp thắc mắc liên quan đến người lao động đã rút BHXH 1 lần có tiếp tục đóng lại BHXH hay không. Nắm rõ các quy định liên quan đến BHXH giúp người lao động đảm bảo được các quyền lợi khi tham gia BHXH.