[Giải đáp] Người lao động nên làm gì khi công ty giữ sổ BHXH không trả khi nghỉ việc
Khi chấm dứt hợp đồng, một số công ty cố tình làm khó nhân viên cũ bằng cách giữ sổ BHXH hoặc không chốt sổ của người đó. Trong trường hợp công ty giữ sổ BHXH không trả khi nghỉ việc, người lao động nên làm gì? Cùng eBHXH tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
Nghỉ việc bao lâu thì được trả sổ BHXH?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 18 và khoản 3 Điều 19 Luật BHXH 2014, người lao động có quyền giữ và bảo quản sổ BHXH của chính mình. Tuy nhiên, khi chấm dứt hợp đồng lao động thì người lao động phải giao lại sổ BHXH cho người sử dụng lao động để họ làm thủ tục chốt sổ BHXH.
Khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng BHXH, BHTN và trả lại sổ cho người lao động nghỉ việc (quy định tại khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 và khoản 5 Điều 21 Luật BHXH 2014). Mặc dù pháp luật yêu cầu công ty phải chốt và trả sổ BHXH cho người lao động nhưng luật không quy định cụ thể về thời hạn công ty phải chốt sổ BHXH.
Tuy nhiên, nếu công ty không thực hiện chốt sổ bảo hiểm và gây thiệt hại đến quyền lợi của người lao động thì sẽ phải bồi thường cho NLĐ.
Thực tế, thủ tục chốt sổ BHXH được thực hiện khá đơn giản và nhanh chóng. Đơn vị chỉ cần báo giảm lao động và xác nhận sổ BHXH. Trong đó, thời hạn giải quyết thủ tục báo giảm lao động là 05 ngày (theo Quyết định 896/QĐ-BHXH năm 2021) và thời hạn giải quyết thủ tục xác nhận sổ BHXH cũng là 05 ngày, kể từ ngày cơ quan nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Như vậy, nếu công ty sớm làm thủ tục chốt sổ BHXH thì người lao động có thể nhận lại sổ sau 10 ngày.
Nên làm gì khi công ty giữ sổ BHXH không trả khi nghỉ việc?
Khi hợp đồng lao động chấm dứt, người sử dụng lao động phải chốt và trả lại sổ bảo hiểm cho người lao động. Đây là trách nhiệm bắt buộc của người sử dụng lao động được quy định tại khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019.
Trường hợp công ty cố tình giữ lại sổ BHXH không trả, người lao động có thể thực hiện theo một trong 03 cách dưới đây để nhận lại sổ BHXH đã được xác nhận thời gian tham gia BHXH.
Cách 1: Tố cáo vi phạm của công ty tới Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh & Xã hội.
Theo quy định tại Nghị định 24/2018/NĐ-CP, người lao động bị công ty giữ sổ bảo hiểm có thể gửi đơn hoặc tố cáo trực tiếp tới Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh & Xã hội nơi công ty đặt trụ sở.
Trong quá trình xử lý việc tố cáo, nếu xác định được công ty có vi phạm, thanh tra lao động sẽ tiến hành xử phạt theo quy định. Đồng thời, cơ quan sẽ yêu cầu công ty làm thủ tục chốt và trả sổ BHXH cho người lao động.
Cách 2: Gửi khiếu nại đến người có thẩm quyền
Cũng tại Nghị định 24/2018/NĐ-CP, người lao động muốn khiếu nại vi phạm của công ty trước hết phải khiếu nại lần 01 đến người sử dụng lao động. Sau đó nếu không được giải quyết hoặc không đồng ý giải quyết thì mới tiến hành khiếu nại lần 02 đến Chánh thanh tra Sở Lao động - Thương binh & Xã hội nơi công ty đặt trụ sở chính.
Cách 3: Gửi đơn khởi kiện đến Tòa án
Theo khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động năm 2019, đối với những tranh chấp về BHXH, người lao động có thể khởi kiện trực tiếp tại Tòa án mà không cần thực hiện thủ tục hòa giải.
Theo Điều 32, Điều 35, Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, người lao động nếu muốn khởi kiện công ty có thể gửi đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty đặt trụ sở để yêu cầu giải quyết tranh chấp.
* Lưu ý: Nếu công ty đã chốt sổ bảo hiểm nhưng cố tình không trả cho người lao động thì NLĐ có thể làm thủ tục báo mất và xin cấp lại sổ bảo hiểm để làm thủ tục đóng và hưởng bảo hiểm sau này.
Công ty giữ sổ BHXH không trả bị phạt như thế nào?
Việc các công ty, đơn vị làm khó nhân viên bằng cách giữ sổ BHXH là một lựa chọn rủi ro. Bởi hành vi giữ sổ bảo hiểm không trả khi nghỉ việc cho người lao động là hành vi vi phạm pháp luật lao động. Người sử dụng lao động thực hiện hành vi này phải đối mặt với việc bị xử phạt hành chính.
Theo khoản 2 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, người sử dụng lao động không hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian tham gia BHXH và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác đã giữ của NLĐ sau khi chấm dứt hợp đồng lao động sẽ bị xử phạt như sau:
- Phạt từ 01 - 02 triệu đồng: Khi vi phạm từ 01 - 10 người lao động;
- Phạt từ 02 - 05 triệu đồng: Khi vi phạm từ 11 - 50 người lao động;
- Phạt từ 05 - 10 triệu đồng: Khi vi phạm từ 51 - 100 người lao động;
- Phạt từ 10 - 15 triệu đồng: Khi vi phạm từ 101 - 300 người lao động;
- Phạt từ 15 - 20 triệu đồng: Khi vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Cùng với đó, người sử dụng lao động cũng bị buộc hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại giấy tờ đã giữ của người lao động.
Trên đây là toàn bộ giải đáp và hướng dẫn người lao động nên làm gì khi công ty giữ sổ BHXH không trả khi nghỉ việc. Hy vọng với những thông tin trên sẽ hỗ trợ bạn đọc đảm bảo được các quyền lợi của mình khi đi làm nhé.