Từ 1/7/2025, chủ hộ kinh doanh thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc
Luật BHXH 2024 có hiệu lực từ 1/7/2025 bổ sung thêm 07 đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, trong đó có chủ hộ kinh doanh đã đăng ký theo quy định. Vậy, chi tiết quy định chủ hộ kinh doanh thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc và mức đóng, tiền lương làm căn cứ đóng, hồ sơ đăng ký tham gia như thế nào? Cùng eBHXH tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
Chủ hộ kinh doanh phải tham gia BHXH từ 1/7/2025
Hiện nay, theo quy định thì chủ hộ kinh doanh không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật BHXH 2014. Từ ngày 1/7/2024, Luật BHXH 2024 đã bổ sung thêm một số đối tượng người lao động là công dân Việt Nam phải tham gia BHXH bắt buộc.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật BHXH 2024, đối tượng tham bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm:
“1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
…
m) Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ.”
Như vậy, chủ hộ kinh doanh thuộc đối tượng tham gia BHXH từ ngày 01/07/2025.
Mức đóng BHXH bắt buộc của chủ hộ kinh doanh
Theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 33 Luật BHXH 2024 mức đóng, phương thức và thời hạn đóng BHXH bắt buộc của người lao động như sau:
“4. Mức đóng, phương thức và thời hạn đóng của đối tượng quy định điểm m và điểm n khoản 1 Điều 2 của Luật này được quy định như sau:
a) Mức đóng hằng tháng bằng 3% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản, 22% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ hưu trí và tử tuất;
b) Đóng trực tiếp cho cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc đóng qua hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tham gia quản lý theo phương thức đóng hằng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng một lần; thời hạn đóng chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng tiếp theo ngay sau chu kỳ đóng.”
Dẫn chiếu đến quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật BHXH 2024, đối tượng đóng BHXH theo quy định tại điểm m và điểm n là:
“(m) Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ;
n) Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương.”
Như vậy, mức đóng BHXH bắt buộc của chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ như sau:
- Mức đóng hằng tháng bằng 3% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản
- Mức đóng là 22% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc từ 1/7/2025
Theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật BHXH 2024 mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thực hiện như sau:
(1) Đối với NLĐ nhận lương theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định:
Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc là tiền lương tháng theo chức vụ, chức danh, ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có).
(2) Đối với NLĐ nhận lương theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định:
Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc là tiền lương tháng, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương.
Trường hợp người lao động ngừng việc vẫn hưởng tiền lương tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất thì đóng theo tiền lương được hưởng trong thời gian ngừng việc.
(3) Đối với NLĐ thuộc điểm đ, e và k khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024:
Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc do Chính phủ quy định.
(4) Đối với NLĐ thuộc điểm g, h, m và n khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024:
Được lựa chọn mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc nhưng thấp nhất bằng mức tham chiếu và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.
Sau ít nhất 12 tháng thực hiện đóng BHXH theo mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH đã lựa chọn thì người lao động được lựa chọn lại mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.
Hướng dẫn hồ sơ tham gia BHXH bắt buộc cho hộ kinh doanh
Tại khoản 2 Điều 27 Luật BHXH 2024 quy định về hồ sơ đăng ký tham gia BHXH bắt buộc của chủ hộ kinh doanh như sau:
a) Tờ khai đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động kèm theo danh sách người lao động tham gia bảo hiểm xã hội;
b) Tờ khai đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động.
Đối với hồ sơ đăng ký tham gia BHXH bắt buộc của chủ hộ kinh doanh, nếu nộp qua người sử dụng lao động thì thực hiện nộp tờ khai (a) còn nếu tự nộp thì hồ sơ là tờ khai (b).
Như vậy, nếu hồ sơ đăng ký tham gia BHXH bắt buộc của chủ hộ kinh doanh nộp qua người sử dụng lao động thì hồ sơ bao gồm tờ khai đăng ký tham gia BHXH của người sử dụng lao động kèm theo danh sách người lao động tham gia BHXH.
Trường hợp chủ hộ kinh doanh tự nộp thì hồ sơ bao gồm tờ khai đăng ký tham gia BHXH.
Trên đây là toàn bộ thông tin tìm hiểu về hướng dẫn chủ hộ kinh doanh đóng BHXH bắt buộc. Mọi thắc mắc cần giải đáp, anh chị vui lòng liên hệ đến tổng đài eBHXH để được hỗ trợ chi tiết nhất nhé.