Giải đáp: Thời gian bị tạm đình chỉ công việc có được tính hưởng trợ cấp thôi việc không?
Thời gian bị tạm đình chỉ công việc có được tính hưởng trợ cấp thôi việc không là thắc mắc được nhiều người lao động quan tâm. Chi tiết quy định về các chế độ BHXH trong thời gian người lao động bị tạm đình chỉ công việc như thế nào? Cùng eBHXH tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây nhé.
Thời gian bị tạm đình chỉ công việc có được tính hưởng trợ cấp thôi việc không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:
Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động (NSDLĐ) trừ đi thời gian người lao động (NLĐ) đã tham gia BHTN theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được NSDLĐ chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
Trong đó: Tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động gồm:
- Thời gian người lao động đã trực tiếp làm việc;
- Thời gian thử việc;
- Thời gian được người sử dụng lao động cử đi học;
- Thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH;
- Thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị TNLĐ - BNN, mà được người sử dụng lao động trả lương theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
- Thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật mà được người sử dụng lao động trả lương;
- Thời gian ngừng việc không do lỗi của NLĐ;
- Thời gian nghỉ hàng tuần (theo Điều 111), nghỉ việc hưởng nguyên lương (Điều 112, Điều 114, khoản 1 Điều 115);
- Thời gian thực hiện nhiệm vụ của Tổ chức đại diện người lao động theo quy định (theo khoản 2, 3 Điều 176)
- Thời gian tạm bị đình chỉ công việc theo Điều 128
Thời gian người lao động đã tham gia BHTN gồm thời gian người lao động đã tham gia BHTN theo quy định của pháp luật và thời gian NLĐ thuộc diện không phải tham gia BHXH theo quy định của pháp luật nhưng được NSDLĐ chi trả cùng với tiền lương của NLĐ một khoản tiền tương đương với mức NSDLĐ đóng BHTN cho NLĐ theo quy định của pháp luật về lao động và BHTN.
Như vậy, theo quy định trên thì thời gian bị tạm đình chỉ công việc được xem là thời gian làm việc thực tế để tính hưởng trợ cấp thôi việc.
Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc có phải đóng BHXH không?
Theo khoản 7 Điều 42 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 có quy định
“Người lao động mà bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì người lao động và đơn vị được tạm dừng đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN nhưng vẫn phải đóng BHYT hằng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng mà người lao động được hưởng theo quy định của pháp luật.
Sau thời gian tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác nếu được cơ quan có thẩm quyền xác định bị oan, sai, không vi phạm pháp luật thì thực hiện việc đóng bù BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN trên tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc và truy đóng BHYT trên số tiền lương được truy lĩnh, không tính lãi đối với số tiền truy đóng; trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định người lao động là có tội thì không thực hiện việc đóng bù BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN và không phải truy đóng BHYT cho thời gian bị tạm giam.”
Như vậy, trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì người lao động được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội.
Có được hưởng lương khi bị tạm đình chỉ công việc không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 128 Bộ luật Lao động 2019, trường hợp NLĐ không bị xử lý kỷ luật lao động thì được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc.
Đồng thời, theo khoản 10 Điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc nhưng sau đó được kết luận là không vi phạm hoặc không bị xử lý kỷ luật lao động thì được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hàng năm của NLĐ.
Theo đó, trường hợp người lao động thị tạm đình chỉ công việc để điều tra, xác minh lỗi vi phạm nhưng xác minh được không phải lỗi của người lao động thì NLĐ vẫn được hưởng nguyên lương đối với những ngày bị tạm đình chỉ công việc.
Ngoài ra, số ngày nghỉ này cũng được coi là thời gian làm việc để tính ngày nghỉ hàng năm cho người lao động. Ngoài khoản tiền lương thì trước quá trình điều tra, NLĐ sẽ được nhận 50% trợ cấp tạm ứng tiền lương và chỉ phải trả lại khoản lương đã tạm ứng khi người lao động được xác minh là có vi phạm và bị xử lý kỷ luật lao động.