Người lao động cần làm gì khi doanh nghiệp không chốt sổ BHXH sau khi kết thúc hợp đồng lao động?
Rất nhiều doanh nghiệp cố tình không trả hoặc làm sai quy định trả sổ BHXH cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động. Trong các trường hợp công ty không chốt sổ BHXH thì người lao động cần phải làm gì? Tìm hiểu trong bài viết này cùng EFY-eBHXH nhé.
Quy định pháp luật bắt buộc người sử dụng lao động phải chốt sổ BHXH khi chấm dứt hợp đồng lao động
Khi người lao động chấm dứt hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động đúng theo quy định thì người sử dụng lao động phải thực hiện các quy định về BHXH. Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 47 Bộ luật Lao động 2012:
“Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành các thủ tục xác nhận và trả lại sổ BHXH cùng những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của NLĐ”.
Ngoài ra, quy định tại khoản 5 Điều 21 Luật BHXH 2014 quy định về trách nhiệm của công ty khi chấm dứt hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động với NLĐ.
“Người sử dụng lao động phối hợp với cơ quan BHXH trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động và xác nhận thời gian đóng BHXH khi NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, người lao động khi nghỉ việc theo đúng quy định sẽ không thể tự chốt sổ BHXH cho mình. Mà doanh nghiệp - nơi người lao động làm việc phải làm thủ tục xác nhận và trả lại sổ BHXH cho người lao động theo đúng quy định pháp luật.
Mức xử phạt người sử dụng lao động với hành vi không chốt sổ BHXH
Đối với các doanh nghiệp cố tình vi phạm, không chốt sổ BHXH cho người lao động khi nghỉ việc, thôi việc sẽ chịu mức xử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP. Cụ thể:
Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi vi phạm dưới đây:
(1) Sửa đổi thời hạn của hợp đồng bằng phụ lục hợp đồng lao động;
(2) Không thực hiện đúng quy định về thời hạn thanh toán các khoản về quyền lợi của NLĐ khi chấm dứt hợp đồng lao động;
(3) Không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc cho NLĐ theo quy định của pháp luật;
(4) Không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp mất việc làm cho NLĐ theo quy định;
(5) Không trả hoặc trả không đủ tiền cho NLĐ khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật;
(6) Không hoàn thành các thủ tục xác nhận thời gian đóng BHXH, BHTN và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác đã giữ của NLĐ sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định pháp luật;
(7) Không cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của NLĐ nếu người lao động có yêu cầu sau khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Đối với các doanh nghiệp có hành vi vi phạm trên sẽ bị xử phạt theo một trong các mức sau:
- Từ 1.000.000 VND đến 2.000.000 VND đối với hành vi vi phạm từ 01 đến 10 người lao động;
- Từ 2.000.000 VND đến 5.000.000 VND đối với hành vi vi phạm từ 11 đến 50 người lao động;
- Từ 5.000.000 VND đến 10.000.000 VND đối với hành vi vi phạm từ 51 đến 100 người lao động;
- Từ 10.000.000 VND đến 15.000.000 VND đối với hành vi vi phạm từ 101 đến 300 người lao động;
- Từ 15.000.000 VND đến 20.000.000 VND đối với hành vi vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Lưu ý: Đây là mức phạt được áp dụng đối với cá nhân, mức xử phạt đối với tổ chức gấp 2 lần mức xử phạt trên.
Người lao động làm gì khi doanh nghiệp không chốt sổ BHXH
Căn cứ theo quy định về khiếu nại Bảo hiểm xã hội tại khoản 1 Điều 118 Luật BHXH 2014:
Người lao động, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH và những người khác có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật về BHXH và xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Trình tự giải quyết khiếu nại về BHXH được quy định tại Điều 119 Luật BHXH 2014 t như sau:
- Việc giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi hành chính về BHXH được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
- Việc giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi về BHXH không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 119 Luật BHXH 2014 thì người khiếu nại có quyền lựa chọn 1 trong 2 hình thức sau:
+ Khiếu nại lần đầu đến cơ quan, người đã ra quyết định hoặc người có hành vi vi phạm. Trong trường hợp cơ quan, người có quyết định, hành vi về BHXH bị khiếu nại không còn tồn tại thì cơ quan quản lý về lao động cấp huyện có trách nhiệm giải quyết.
+ Tiến hành khởi kiện tại Tòa án theo quy định pháp luật.
- Trong trường hợp người khiếu nại được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 119 Luật BHXH 2014 không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án hoặc khiếu nại đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.
Nếu người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp tỉnh hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án. Thời hiệu khiếu nại, thời hạn giải quyết khiếu nại được áp dụng theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
Trên đây là toàn bộ nội dung hướng dẫn người lao động xử lý tình huống doanh nghiệp không chốt sổ BHXH khi chấm dứt hợp đồng lao động. Mọi thắc mắc về nghiệp vụ BHXH vui lòng liên hệ đến hotline để được hỗ trợ chính xác nhất.
Để được hỗ trợ tư vấn và đăng ký dùng thử EFY-eBHXH, vui lòng đăng ký TẠI ĐÂY
✅ Liên hệ với chúng tôi để được tư vấn về phần mềm eBHXH: