Người lao động nghỉ việc không báo trước có được nhận trợ cấp thôi việc không?
Khi nghỉ việc không báo trước có được nhận trợ cấp thôi việc không là vấn đề được nhiều người lao động quan tâm khi có dự định nghỉ việc. Trong bài viết dưới đây, cùng eBHXH giải đáp thắc mắc này và tìm hiểu về thời gian làm việc tính hưởng trợ cấp thôi việc cho người lao động nhé.
Nghỉ việc không báo trước có được nhận trợ cấp thôi việc không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Lao động 2019, người lao động khi nghỉ việc cần phải báo trước đến người sử dụng lao động (công ty, doanh nghiệp, tổ chức,...) trong thời hạn như sau:
- Ít nhất 45 ngày: Nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
- Ít nhất 30 ngày: Nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng;
- Ít nhất 03 ngày: Nếu làm việc theo hợp đồng xác định thời hạn dưới 12 tháng;
- Với các ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Tuy nhiên, nếu người lao động khi nghỉ việc rơi vào một trong 7 trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động được phép nghỉ việc ngay mà không cần báo trước với công ty. Cụ thể:
“NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước khi:
- Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được đảm bảo điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 Bộ luật Lao động 2019;
- Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019;
- Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
- Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
- Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này;
- Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định;
- Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.”
Ngoài những trường hợp nêu trên, người lao động nghỉ việc không báo trước sẽ bị coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Theo Điều 40 Bộ luật Lao động 2019, nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật:
- Không được nhận trợ cấp thôi việc;
- Phải bồi thường cho công ty ½ tháng tiền lương theo HĐLĐ và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước;
- Phải hoàn trả cho công ty chi phí đào tạo (theo Điều 62 Bộ luật Lao động 2019).
Như vậy, nếu nghỉ việc không báo trước sẽ không được nhận trợ cấp thôi việc.
Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc theo quy định
Theo khoản 2 Điều 46 Bộ luật Lao động 2019 quy định về thời gian làm việc tính trợ cấp thôi việc như sau:
“Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.”
Đồng thời, theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì xác định các khoảng thời gian nêu trên như sau:
(1) Tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho công ty gồm:
- Thời gian đã trực tiếp làm việc;
- Thời gian thử việc;
- Thời gian được công ty cử đi học;
- Thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo BHXH;
- Thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được công ty trả lương theo quy định;
- Thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định mà được công ty trả lương;
- Thời gian ngừng việc không do lỗi của người lao động;
- Thời gian nghỉ hằng tuần, nghỉ việc hưởng hưởng lương;
- Thời gian thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động;
- Thời gian bị tạm đình chỉ công việc.
(2) Tổng thời gian NLĐ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) gồm:
- Thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định;
- Thời gian người lao động thuộc diện không phải đóng BHTN theo quy định của pháp luật nhưng được công ty chi trả cùng với tiền lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức công ty đóng BHTN theo quy định;
Lưu ý, thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng).
Trường hợp thời gian này có tháng lẻ ≤ 6 tháng thì được tính bằng ½ năm, lớn hơn 6 tháng thì được tính bằng 1 năm làm việc.
Một số trường hợp cụ thể khác về thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho công ty được nêu thêm tại khoản 4 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
Thời hạn chi trả trợ cấp thôi việc bao lâu?
Theo Điều 48 Bộ luật Lao động 2019, trong thời hạn 14 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động,công ty phải chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động. Trừ trường hợp được kéo dài nhưng không được quá 30 ngày dưới đây:
- Công ty chấm dứt hoạt động;
- Thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;
- Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;
- Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.
Trên đây là toàn bộ nội dung giải đáp: “Người lao động nghỉ việc không báo trước có được nhận trợ cấp thôi việc không?”. Hy vọng với những thông tin hữu ích trên sẽ giúp bạn đọc nắm rõ quyền lợi về trợ cấp thôi việc khi nghỉ việc nhé.