[Giải đáp thắc mắc] Đóng bảo hiểm xã hội không đóng bảo hiểm y tế có được hay không?
Người lao động tham gia BHXH đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế từ trước nên chỉ đóng BHXH mà không đóng BHYT có được hay không? Thắc mắc này sẽ được eBHXH giải đáp chi tiết ngay dưới đây nhé.
Các trường hợp phải đóng BHXH, BHYT
Theo quy định hiện nay, người lao động khi làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị sẽ phải tham gia đóng BHXH, BHYT trong các trường hợp:
Đóng bảo hiểm xã hội:
Căn cứ theo Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, những người lao động sau đây phải tham gia BHXH bắt buộc gồm:
- Người lao động VN làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên;
- Người lao động VN làm công việc quản lý công ty/doanh nghiệp có hưởng tiền lương;
- Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề/giấy phép hành nghề hợp pháp và có hợp đồng lao động từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động.
Đóng bảo hiểm y tế:
Căn cứ theo khoản 1 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên sẽ phải tham gia BHYT.
Đóng bảo hiểm xã hội mà không đóng BHYT có được không?
Người lao động đi làm đáp ứng các điều kiện tham gia BHXH, BHYT thì đều phải tham gia các loại bảo hiểm này.
Hàng tháng, người sử dụng lao động sẽ trích tiền đóng bảo hiểm từ quỹ tiền lương tháng của người lao động tham gia BHXH và trích một phần tiền lương tháng của từng người lao động để đóng quỹ BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN cùng một lúc cho cơ quan BHXH.
Như vậy, hầu hết các trường hợp tham gia BHXH bắt buộc đều phải đóng đồng thời các loại bảo hiểm khác, trong đó gồm BHYT.
Ngay cả khi người lao động đã được cấp thẻ BHYT miễn phí hoặc mua BHYT tự nguyện trước đó thì khi đi làm, người lao động có ký hợp đồng lao động từ đủ 03 tháng trở lên thì vẫn phải đóng BHYT cho đơn vị. Bởi theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Luật BHYT, khi người lao động đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau, thì phải đóng theo đối tượng ưu tiên như sau:
(1) Nhóm tham gia BHYT do người lao động và người sử dụng lao động đóng;
(2) Nhóm tham gia BHYT do tổ chức BHXH đóng;
(3) Nhóm tham gia BHYT do Ngân sách Nhà nước đóng;
(4) Nhóm tham gia BHYT được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng;
(5) Nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình.
Do vậy, dù đã có thẻ BHYT trước đó nhưng khi người lao động đã đi làm có hợp đồng lao động thì vẫn phải đóng cả bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội chứ không được lựa chọn.
Lưu ý: Riêng trường hợp người lao động làm việc hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến 03 tháng thì chỉ phải đóng BHXH bắt buộc mà không phải đóng BHYT.
Mức hưởng BHYT khi khám chữa bệnh theo đúng quy định
Theo quy định tại Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế 2008, sửa đổi năm 2015, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động tại doanh nghiệp có mức hưởng khi khám chữa bệnh là 80%. Tuy nhiên, nếu tham gia BHYT 05 năm liên tục hoặc đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác thì người lao động sẽ được hưởng tỷ lệ thanh toán khi khám chữa bệnh cao hơn. Cụ thể như sau:
(1) Được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh đúng tuyến nếu thuộc một trong các trường hợp:
- Tham gia BHYT 05 năm liên tục mà đã có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở;
- Người lao động thuộc diện hộ nghèo;
- Người lao động là dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng kinh tế - xã hội khó khăn;
- Người lao động đang sinh sống tại vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
- Thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ/chồng, con của liệt sĩ; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ,...
(2) Được thanh toán 95% chi phí khám chữa bệnh đúng tuyến nếu thuộc một trong các trường hợp:
- Người lao động thuộc diện hộ cận nghèo;
- Thân nhân của người có công với cách mạng (trừ các trường hợp được nêu tại (1)).
Trên đây là toàn bộ thông tin giải đáp thắc mắc “Đóng bảo hiểm xã hội không đóng bảo hiểm y tế có được hay không?”. Mọi vấn đề về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cần giải đáp, bạn đọc vui lòng liên hệ đến Tổng đài để được hỗ trợ nhanh chóng và chính xác nhất nhé.
Để được hỗ trợ tư vấn và đăng ký dùng thử EFY-eBHXH, vui lòng đăng ký TẠI ĐÂY
✅ Liên hệ với chúng tôi để được tư vấn về phần mềm eBHXH:
- Miền Bắc: Hotline: 19006142 - Tel/Zalo: Ms. Hằng 0912 656 142/ Ms Yên 0914 975 209
- Miền Nam: Hotline: 19006139 - Tel/Zalo: Ms Thơ 0911 876 900/ Ms. Thùy 0911 876 899
Giao dịch điện tử bảo hiểm xã hội EFY-eBHXH
ThuongNTH