Miền Bắc: 1900 6142 | ebhxh@efy.com.vn
Miền Nam: 1900 6139 | mnebhxh@efy.com.vn

Thẻ Bảo hiểm điện tử-xu thế và bước tiến đồng bộ trong cải cách TTHC và ứng dụng CNTT nghiệp vụ BHXH

Thẻ Bảo hiểm điện tử-xu thế và bước tiến đồng bộ trong cải cách TTHC và ứng dụng CNTT nghiệp vụ BHXH

Thẻ BHYT điện tử

Đ/c Lê Nguyên Bồng, Phó Giám đốc Trung tâm CNTT, BHXH Việt Nam giới thiệu về thẻ bảo hiểm điện tử (Ảnh: nguồn Cổng TTĐT BHXH Việt Nam)

Thẻ bảo hiểm điện tử là gì?

Có thể hiểu thẻ bảo hiểm điện tử là dạng thẻ chip, kích cỡ giống hệt với một một chiếc thẻ ATM hay Master card, trong đó tích hợp dữ liệu cả thẻ BHYT và sổ BHXH, lưu giữ các thông tin cơ bản, quá trình đóng, hưởng của người tham gia BHXH, BHYT, người sử dụng thẻ được xác thực thông qua đầu đọc và nhận diện vân tay.

Dữ liệu chi tiết của thẻ bảo hiểm điện tử đối với người tham gia BHXH, BHYT sẽ được lưu giữ tại Trung tâm dữ liệu tập trung của ngành BHXH, các dữ liệu này sẽ được truy xuất khi người tham gia thực hiện các giao dịch như khám, chữa bệnh BHYT, giải quyết các chế độ BHXH... Thẻ bảo hiểm điện tử sẽ phục vụ tốt cho công tác quản lý, khai thác, giải quyết chế độ BHXH, BHYT đồng thời rút ngắn thời gian đáp ứng yêu cầu, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính cũng như mang lại nhiều ứng dụng tiện ích cho người sử dụng.

Khi được hỏi về việc sử dụng thẻ BHYT giấy như hiện nay, chị Mai Tâm (Quận Thanh Xuân) đang khám chữa bệnh tại Bệnh viện K chia sẻ: về hình thức của thẻ thì nhỏ, gọn, phù hợp với việc đem theo người như các loại giấy tờ tùy thân khác, tuy nhiên do chất liệu thẻ BHYT vẫn làm bằng giấy nên dễ bị rách, hỏng, nhất là đối với bệnh nhân thường xuyên KCB như chị thì việc sử dụng thẻ nhiều lần còn có thể bị bong, chóc, mờ mực in, mờ mã vạch trên thẻ gây khó khăn và mất thời gian cho việc làm thủ tục khám chữa bệnh.

Hay như ý kiến của anh Đức Hiếu (quận Hoàng Mai) khám chữa bệnh tại Bệnh viện Xanh pon cho rằng: mặc dù đã có mã vạch nhưng thẻ BHYT hiện nay chưa có ảnh, dữ liệu cũng chưa quét ảnh của người có thẻ, do đó khi đi KCB, bệnh nhân vẫn phải trình giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ khác gây bất tiện, đặc biệt là vẫn có nhiều trường hợp thông tin thân nhân không thống nhất giữa thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân (CMTND)...

Đối với cơ quan BHXH, việc in mới, gia hạn thẻ BHYT giấy hàng năm cũng gặp những khó khăn nhất định. Tính đến hết tháng 10 năm 2017, BHXH Thành phố Hà Nội đã cấp và quản lý trên 6 triệu thẻ BHYT; cấp mới, gia hạn thẻ BHYT hàng năm đến 30/11/2017 trên 3.500.000 thẻ; trung bình cấp lại (do mất thẻ, đổi thông tin trên thẻ): trên 300.000 thẻ/năm gây tốn kém về chi phí mực in, phôi thẻ và mất nhiều thời gian cho cán bộ thực hiện. Việc in gia hạn thẻ nhiều lần trong năm (hàng quý, 6 tháng, năm) đối với trường hợp giá trị thẻ theo mệnh giá cơ quan, đơn vị đóng tiền cũng mất nhiều thời gian, chi phí và áp lực công việc.

Một số điều kiện và đề xuất giải pháp ứng dụng thẻ bảo hiểm điện tử

Từ những hạn chế của việc cấp, sử dụng thẻ BHYT giấy, đồng thời đánh giá từ góc độ hiệu quả về mặt kinh tế cũng như nhằm cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân đi khám, chữa bệnh, bảo quản và sử dụng thẻ BHYT cho thấy, việc cấp thẻ bảo hiểm điện tử là cần thiết và là bước tiến tất yếu. Một trong những mấu chốt để có thể triển khai ứng dụng thẻ bảo hiểm điện tử là việc đẩy mạnh tin học hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, xử lý nghiệp vụ BHXH, BHYT. Vì vậy, để thống nhất tích hợp quản lý đối tượng tham gia BHXH, BHYT trong cả nước, ngành BHXH đang tập trung nhân lực, nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan, đơn vị, người lao động, người dân rà soát dữ liệu thông tin cá nhân, quá trình tham gia BHXH, BHYT để đồng bộ mã số BHXH thống nhất. Tuy nhiên, để triển khai ứng dụng thẻ bảo hiểm điện tử thành công cần có nhiều giải pháp và sự đầu tư mạnh hơn nữa về hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, đòi hỏi đáp ứng nhu cầu liên thông dữ liệu thẻ BHYT giữa các ngành. Song song với đó, cơ sở hạ tầng của các cơ sở KCB, đơn vị liên quan phải có đủ trang thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ để khi người dân có thẻ, việc sử dụng thẻ bảo hiểm điện tử được áp dụng ở mọi lúc, mọi nơi, từ cơ sở y tế tuyến xã đến tuyến Trung ương; Đầu tư xây dựng phần mềm tra cứu, lắp đặt các hệ thống kiểm tra thông tin tại nơi công cộng để người dân có thể kiểm tra thông tin đóng, hưởng BHXH, BHTN, BHTNLĐ-BNN, BHYT. Người có thẻ tự quản lý được việc đi KCB của bản thân, tránh tình trạng thẻ BHYT giả hoặc bị người khác lấy trộm mã thẻ của mình để đi KCB nhằm trục lợi. Để tạo thuận lợi cho người dân, đối với việc cấp lại thẻ bảo hiểm điện tử, cơ quan BHXH có thể phân quyền cấp lại tại bất kỳ cơ quan BHXH nào trong toàn quốc, …/. 

Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội

Tin tức liên quan
Đang tải...