Quyết định 15/2020/QĐ-TTg: Hỗ trợ NLĐ tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ không lương - DN vay vốn trả lương
EFY Việt Nam hướng dẫn điều kiện, hồ sơ và quy trình giải quyết chế độ hỗ trợ của Chính phủ trong dịch Covid-19 dành cho đối tượng NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động, NLĐ nghỉ không lương do ảnh hưởng dịch. Quy định hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn chi trả lương từ ngân hàng chính sách.
Đại dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp và lan rộng khắp cả nước đã ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế của nước ta, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã… buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất hoặc thâm chí phải đóng cửa, dẫn đến tình trạng NLĐ bị cắt giảm việc làm, mất việc làm và tình hình này có thể phức tạp hơn nếu dịch bệnh kéo dài. Trước những diễn biến ấy, ngày 09/04/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Đại dịch Covid-19. Ngày 24/04/2020, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19. Sau đây EFY Việt Nam sẽ hướng dẫn về quy trình, thủ tục, hồ sơ và mức hỗ trợ cho đối tượng NLĐ tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ không lương. Đồng thời, EFY Việt Nam sẽ giải đáp các vướng mắc liên quan đến điều kiện vay vốn từ ngân hàng chính sách dành cho doanh nghiệp phục vụ trả lương cho NLĐ.
1. Hỗ trợ NLĐ làm việc theo chế độ HĐLĐ phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ hoặc nghỉ việc không hưởng lương
NLĐ làm việc theo chế độ HĐLĐ phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ theo quy định tại Khoản 5 Điều 32 Bộ luật Lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương theo quy định tại Khoản 3 Điều 116 Bộ luật Lao động từ 01 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch COVID-19.
NLĐ để nhận được hỗ trợ cần thoả mãn đủ các điều kiện sau:
- Thời gian tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của HĐLĐ, từ 01 tháng liên tục trở lên tính từ ngày 01/04/2020 đến hết ngày 30/06/2020 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 01/4/2020 đến ngày 01/6/2020.
- NLĐ đang tham gia BHXH bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn thực hiện HĐLĐ hoặc nghỉ việc không hưởng lương
- Làm việc tại các doanh nghiệp không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương (sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng tiền lương, nguồn lợi nhuận sau thuế và các nguồn tài chính hợp pháp khác như vốn lưu động, tiền mặt, tiền gửi ngân hàng…của doanh nghiệp, số dư đến ngày 31/3/2020) do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Mức hỗ trợ: 1,8 triệu đồng/ người/ tháng
Thời gian hỗ trợ: theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không lương. Theo hằng tháng tùy tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 01/04/2020 và không quá 3 tháng.
- Bản sao HĐLĐ và văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ hoặc nghỉ không hưởng lương.
- Doanh nghiệp lập danh sách NLĐ tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ không hưởng lương do NSDLĐ lập và có xác nhận của tổ chức công đoàn cơ sở (nếu có), cơ quan BHXH (mẫu số 01).
- Bản sao một trong các giấy tờ sau: giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, hợp đồng hợp tác, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, quyết định thành lâp cơ quan, tổ chức, bản sao CMTND hoặc thẻ căn cước (đối với NLĐLĐ là cá nhân).
Bước 1: Doanh nghiệp tiến hành lập danh sách người lao động (NLĐ) tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương đảm bảo điều kiện theo quy định tại Quyết định;
Bước 2: Doanh nghiệp đề nghị công đoàn cơ sở (nếu có) và cơ quan BHXH xác nhận danh sách.
Bước 3: Trong 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được danh sách theo đề nghị của đơn vị, cơ quan BHXH xác nhận việc tham gia BHXH của NLĐ và gửi đơn vị.
Bước 4: Doanh nghiệp tổng hợp đầy đủ hồ sơ và gửi UBND cấp huyện.
Bước 5: Trong 3 ngày làm việc, kể từ ngày UBND cấp huyện nhận được đầy đủ hồ sơ, UBND cấp huyện thẩm định, trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Bước 6: Trong 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ; đồng thời chỉ đạo thực hiện chi trả trực tiếp cho NLĐ của đơn vị.
2. Hỗ trợ đơn vị vay vốn để trả lương ngừng việc đối với NLĐ
Đơn vị có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho NLĐ theo Khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2020.
Để nhận được chế độ hỗ trợ vay vốn, doanh nghiệp cần đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Có từ 20% hoặc từ 30 NLĐ trở lên đang tham gia BHXH bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho NLĐ trong khoảng thời gian từ ngày 01/4/2020 đến hết ngày 30/6/2020.
- Đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho NLĐ, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho NLĐ ngừng việc
- Không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31/12/2019.
- Mức vay tối đa = Số NLĐ thực tế ngừng việc x 50%mức lương tối thiểu vùng x Thời gian thực tế ngừng việc.
- Thời gian thực tế ngừng việc của NLĐ tối đa không quá 03 tháng.
- Lãi suất vay: 0%/năm.
- Lãi suất nợ quá hạn: 12%/năm.
- Thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội và đơn vị thỏa thuận theo tình hình thực tế tối đa không quá 12 tháng.
- Người sử dụng lao động (NSDLĐ) chuẩn bị hồ sơ gồm:
- Giấy đề nghị vay vốn theo mẫu do Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành.
- Bản sao một trong những loại giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã; Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; Quyết định thành lập cơ quan, tổ chức; Chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu (đối với người sử dụng lao động là cá nhân).
- Danh sách NLĐ phải ngừng việc do đơn vị lập có xác nhận của tổ chức công đoàn cơ sở (nếu có) và cơ quan bảo hiểm xã hội, nơi đơn vị đóng BHXH cho NLĐ (mẫu số 12).
- Bản sao quyết định ngừng việc của NSDLĐ hoặc thỏa thuận ngừng việc giữa NLĐ và NSDLĐ; bản sao HĐLĐ của NLĐ ngừng việc.
- Bản sao Báo cáo tài chính năm 2019, quý I năm 2020 (nếu có) và các giấy tờ khác để chứng minh về khó khăn tài chính.
Bước 1: Doanh nghiệp lập danh sách NLĐ phải ngừng việc xin xác nhận của tổ chức công đoàn cơ sở (nếu có) và cơ quan BHXH quản lý.
Bước 2: Chậm nhất ngày 5 hàng tháng, NSDLĐ có nhu cầu gửi hồ sơ đến UBND cấp huyện nơi có trụ sở hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hoặc nơi cư trú.
Bước 3: Trong 3 ngày làm việc kể từ ngày ngận được đầy đủ hồ sơ, UBND cấp huyện thẩm định, tổng hợp danh sách trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh (mẫu số 13).
Bước 4: Trong 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh sách, gửi chi nhánh ngân hàng Chính sách xã hội và NSDLĐ (mẫu số 14).
Trường hợp không phê duyệt, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Lưu ý: Hiện nay, phương thức chi trả cho vay sẽ có hướng dẫn cụ thể từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và ngân hàng Chính sách.
Để được hỗ trợ tư vấn và đăng ký dùng thử EFY-eBHXH, vui lòng đăng ký TẠI ĐÂY
✅ Liên hệ với chúng tôi để được tư vấn về phần mềm eBHXH:
- Miền Bắc: Hotline: 19006142 - Tel/Zalo: Ms. Hằng 0912 656 142/ Ms Yên 0914 975 209
- Miền Nam: Hotline: 19006139 - Tel/Zalo: Ms Thơ 0911 876 900/ Ms. Thùy 0911 876 899
Giao dịch điện tử bảo hiểm xã hội EFY-eBHXH
EFY Việt Nam