Đề xuất phương án ngăn người lao động rút BHXH một lần
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm nay, số người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần lên tới 496.000 người, tăng so với cùng kỳ là 0,25%.
Người rút BHXH một lần phần lớn là người lao động có mức thu nhập không cao, không có tích lũy, công việc bấp bênh, không có niềm tin dài hạn vào chính công việc mình đang làm hoặc đang gặp khó khăn về thu nhập, phần còn lại là không muốn nhận lương hưu vì một lý do nào đó: sợ không sống đến lúc hưởng lương hưu,…
Đề xuất phương án ngăn người lao động rút BHXH một lần
Để hạn chế tình trạng người lao động rút BHXH một lần, Bộ Lao động Thương binh Xã hội sẽ tính đến phương án lao động rút bảo hiểm xã hội một lần chỉ được rút phần mình đóng, tức 8% lương. 14% do người sử dụng lao động đóng thì… để lại quỹ.
Trước đó, tại một số cuộc giám sát của Ủy ban Xã hội Quốc hội, cơ quan BHXH một số địa phương cũng đề xuất điều chỉnh quy định mức hưởng trợ cấp một lần bằng đúng số tiền người lao động đóng vào quỹ. Phần của người sử dụng lao động sẽ được bảo lưu và cộng nối thời gian khi người lao động tiếp tục tham gia BHXH nhằm tích lũy đủ điều kiện hưởng hưu. Việc này nhằm đạt mục tiêu đảm bảo an sinh bền vững cho người dân.
Theo quy định hiện hành, tổng mức đóng bảo hiểm là 22% mức tiền lương tháng. Trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, có nghĩa là tổng mức đóng vào quỹ BHXH hàng năm bằng 2,64 tháng lương.
Và nếu hưởng BHXH một lần thì người lao động chỉ được thanh toán bằng 2 tháng lương làm căn cứ đóng BHXH cho một năm tham gia BHXH. Như vậy, nếu rút BHXH một lần ở thời điểm hiện tại, người lao động sẽ mất đi 0,64 tháng lương mỗi năm.
Có thể thấy, số “mất” sẽ lớn hơn rất nhiều, số được nhận cũng giảm đi rất nhiều. Theo tính toán cho thấy nếu tích luỹ đủ thời gian đóng BHXH người lao động sẽ được lợi gấp 4-5 lần so với rút 1 lần.
Rút BHXH 1 lần mất đi nhiều quyền lợi hơn rất nhiều so với để hưởng lương hưu
Trước đề xuất giảm mức hưởng BHXH một lần của cơ quan quản lý đưa ra, có rất nhiều ý kiến đóng góp được đưa ra.
Cho người lao động vay tiền để ngăn rút BHXH một lần
Theo anh Nguyễn Anh Tuấn - Độc giả báo VnExpress cho rằng nếu có cơ chế cho người lao động "vay" tiền BHXH thì sẽ hạn chế được việc rút một lần:
"Cần có cơ chế để người lao động có thể vay được đến 80% mức BHXH một lần được hưởng. Số BHXH một lần được hưởng còn lại dùng để tính trả lãi theo mức lãi suất mà BHXH gửi tiết kiệm lấy lãi suất.
Khi khoản vay và lãi của khoản vay bằng mức BHXH một lần được hưởng thì yêu cầu người lao động tất toán nếu không trả được khoản vay. Trong trường hợp người lao động trả được khoản vay và lãi trước khi khoản vay và lãi của khoản vay bằng mức BHXH một lần được hưởng thì khôi phục lại thời gian được tính đóng BHXH cho người lao động.
Tôi nghĩ giải pháp này tốt cho người lao động là được vay một khoản tiền trong giai đoạn khó khăn với lãi suất thấp từ chính khoản đóng góp của mình vào BHXH".
Theo đó, người lao động được vay tiêu dùng, trả góp trên số dư BHXH, tỷ lệ cho vay tối đa theo số năm đóng BHXH.
Ví dụ: Người lao động đóng BHXH được 2 năm thì vay được 20%, đóng BHXH 5 năm vay được 40% số dư, đóng BHXH 10 năm vay được 70%...lãi suất vay bằng trần lãi suất huy động của NHNN, thời hạn vay tối đa 36 tháng.
Khi người vay không trả được nợ, phát sinh nợ quá hạn, sẽ trích phần còn lại của số dư BHXH để thu gốc lãi vay. Như vậy, sẽ hạn chế được phần nào vay tín dụng đen, vay công ty tài chính lãi suất cao, người lao động sẽ chủ động trong việc quản lý khoản đóng BHXH. BHXH sẽ có nguồn thu từ lãi vay, sau khi trừ đi các chi phí trong việc quản lý, nhân sự, phần lợi nhuận sẽ được đầu tư vào phúc lợi xã hội.
Hơn nữa, trong thời buổi công nghệ, việc phát triển ứng dụng hoặc tích hợp với VssID để theo dõi số dư quỹ BHXH, vay và trả nợ cá nhân là hoàn toàn có khả thi.
Ứng dụng VssID
Đưa ra giải pháp tránh tình trạng doanh nghiệp chây ì, nợ tiền bảo hiểm
Bên cạnh ý kiến cho người lao động vay tiền để ngăn rút BHXH một lần, nhiều độc giả cho rằng, thay vì tranh luận về rút BHXH một lần, nên tìm giải pháp để tránh doanh nghiệp chây ì, nợ tiền bảo hiểm.
Trước đó, Tại phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Xã hội Quốc hội chiều 29/9, lãnh đạo BHXH Việt Nam, nói tính đến cuối năm 2021 tổng số nợ BHXH bắt buộc là hơn 10.200 tỷ đồng, 80% là doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Trong đó, gần 30.000 doanh nghiệp mất tích, phá sản, giải thể, chủ là người nước ngoài bỏ trốn, nợ tồn từ nhiều năm "rất khó đòi" với số tiền hơn 3.200 tỷ đồng, trong đó nợ gốc gần 2.300 tỷ đồng, lãi phát sinh gần 930 tỷ đồng.
Độc giả có nickname nghiepbg10: "Tại sao cơ quan BHXH không hướng đến mục tiêu quản lý tốt hơn việc đóng BHXH của các doanh nghiệp? Bao nhiêu doanh nghiệp hiện nay không nộp tiền BHXH dù đã trừ lương của người lao động, hoặc có đóng nhưng đóng ở mức tối thiểu không đúng quy định gây thiệt hại cho cả quỹ BHXH và người lao động?
Độc giả Nguyễn Văn Tuấn: "Bản thân tôi và rất nhiều bạn bè đã phải đi làm rất nhiều năm mà không được chủ doanh nghiệp đóng BHXH. Không biết cơ quan quản lý có biết được tình trạng này không?
Chỉ cần làm tốt việc này, tôi chắc chắn quỹ BHXH sẽ phát triển rất nhiều và bản thân người lao động cũng yên tâm không rút BHXH một lần. Điều người lao động cảm thấy bất an nhất sau khi thất nghiệp là không biết khi xin vào một công ty mới, họ có còn được đóng BHXH tiếp theo nữa hay không. Nếu biết chắc chắn sẽ được đóng BHXH khi chuyển sang một công ty mới, người lao động sẽ không muốn rút BHXH một lần đâu".
Như vậy, để hạn chế việc người lao động rút BHXH một cần phải có giải pháp hỗ trợ người lao động. Cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, khi người lao động gặp khó khăn thì ngân hàng có các chính sách cho vay, hoặc liên đoàn lao động đứng ra bảo trợ cho người lao động; hoặc doanh nghiệp có quỹ trách nhiệm xã hội để hỗ trợ người lao động.